Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 24,1ha diện tích cây bắp bị sâu keo mùa thu gây hại. Chỉ trong thời gian ngắn, sâu keo mùa thu đã phán tán mạnh, sản sinh nhanh, khả năng kháng thuốc rất cao, rất khó diệt tận gốc.
Bà Bùi Thị Hương (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) đang trồng 2 sào bắp hơn 10 ngày tuổi, cho biết: “Sâu này lúc đầu nở từ nhộng bướm chỉ có một xíu, nhưng chỉ vài ngày thì lập tức lớn dần lên và to hơn những loài sâu thông thường. Từ lúc nhỏ, sâu đã bắt đầu ăn hết lá, đục thân khi cây bắp chỉ mới tuần tuổi, sâu ăn đến khi cây được 1 tháng rổ cờ thì mới dần hết”.
Bà Hương phun thuốc liên tục để giảm thiểu phát triển của sâu keo nhưng rất khó vì sâu keo kháng thuốc, khiến 2 sào bắp đã bị thiệt hại gần 50%.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên cây bắp tại nhiều tỉnh, thành phố cả ba miền Bắc, Trung, Nam trong nước. Sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ.
Sâu keo mùa thu là loài đa thực, có thể gây hại trên 80 loài thực vật như bắp, lúa, mía… Sâu có khả năng di chuyển xa, phát tán mạnh, sinh sản cao, phàm ăn, kháng thuốc, giảm năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Qua các biện pháp phòng trừ thì hiện nay chỉ còn 5,5ha. Tuy nhiên, mức độ sản sinh mới vẫn tiếp tục diễn ra, do vậy, các huyện, thành phố cần nâng cao hướng dẫn cho nông dân, cập nhật tình hình sâu gây hại”.
Các biện pháp phòng chống vẫn là làm sạch cỏ, làm kỹ đất, luân canh bắp - lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng trong đất, sử dụng biện pháp sinh học, biện pháp bẫy, bã và phun thuốc diệt sâu non trên diện tích này.
Ông Vĩnh cho biết, sắp tới, Chi cục sẽ tổ chức tập huấn tuyên truyền cho cán bộ kỹ thuật, nông nghiệp các xã, huyện, thành phố để triển khai nông dân phòng trừ sâu keo mùa thu, xây dựng các mô hình trình diễn về lâu dài để có phương pháp tổng hợp cụ thể.
Sâu keo mùa thu khi trưởng thành có chiều dài trung bình 16mm, sải cánh trung bình 37mm, cánh màu nâu đến nâu xám, cánh của con cái không có hoa văn rõ ràng như con đực, thời gian sống trung bình 12-14 ngày. Khi trưởng thành, sâu hoạt động về đêm, có khả năng di chuyển hàng trăm ki-lô-mét nhờ gió. Trứng được đẻ thành mỗi ổ khoảng 50-200 quả được bao phủ lớp lông màu hồng. Biện pháp hóa học khi sử dụng phòng trừ là các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hoạt chất Bacillus thuringiensis (Biocin 16WP, Dipel 6,4WG), Spinetoram (Radiant 60SC), Indoxacard (Amater 150SC, Opulent 150SC), Lufenuron (Match 050EC) để phun trừ khi sâu non từ tuổi 1 đến tuổi 3. |