Kế hoạch tết của hai má con

Vài hôm nữa là tết. Tết này không còn ba. Má dặn trước, đầu năm đầu tháng không được qua nhà người ta, kẻo kiêng kỵ không hay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
h3-4119.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: Trương Quốc Phong

Vậy thì mình đi đâu? Và má sẽ đi đâu? Tôi tự đặt ra câu hỏi ấy cho bản thân, bởi đây là năm đầu tiên tôi và má đón tết bên mâm cơm không còn ba. Sẽ rất buồn và rất xót xa.

Tôi không muốn bản thân cũng như má phải trải qua những ngày xuân năm con rồng như thế. Phải làm một điều gì đó. Phải khác!

Tôi nhớ lại những ngày xưa, khi ba còn sống. Ba thường rủ tôi và má lên chùa Khỉ ở Long Hải chơi. Thường vào trưa mùng 1, sau khi về quê nội ở Đất Đỏ thắp nhang tiên tổ, ghé thăm bà con họ hàng xong, ba thường đưa cả nhà ghé chơi chùa Khỉ nằm ở chênh vênh bên sườn núi.

h2-937.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: Trương Quốc Phong

Người dân địa phương gọi là chùa Khỉ vì nơi đó không chỉ có các ông sư. Có cả trăm, hoặc hàng ngàn con khỉ trên núi, nép mình nương nhờ nơi cửa Phật để được hưởng chút xíu thơm thảo hoa trái từ những người đi viễn cảnh, dâng hương.

Trong lúc má tôi vào phía bên trong cúi đầu lễ Phật thì ba và tôi thường hay ngồi chơi ngoài sảnh. Ba hay chuẩn bị sẵn chuối chín, đậu luộc để thiết đãi đàn khỉ.

h1-6467.jpg
Toàn cảnh chùa Khỉ. Ảnh minh họa: Trương Quốc Phong

Có lần phát hiện một chú khỉ bị cụt chân di chuyển khó nhọc do kẻ gian đặt trộm bẫy trên núi, ba chỉ tôi với ánh nhìn xót xa. Ba nói, loài khỉ thân thiện, thông minh, có tội tình gì đâu. Chúng nó khôn, thì cũng biết đau... Những bông mai anh đào trắng hồng rực rỡ mọc bên triền núi bỗng chợt lung lay, nhẹ rung theo gió, rơi xuống đôi bàn tay tôi.

Tại chùa Khỉ, ba má và tôi thường chọn ngồi trên những tảng đá lớn dưới những tàng cây ở triền núi Kỳ Vân. Mùa này mai anh đào (hay còn gọi là đỗ mai) bung nở thành từng cụm, đẹp vô ngần.

Buổi trưa đơn sơ má mang theo trong ngày mùng 1 là trái dưa hấu, đòn bánh tét, ít dưa món và hộp thịt kho măng có mấy cái trứng tròn ủm. Hình như người phụ nữ nào cũng chu đáo và thích tay xách nách mang như thế mỗi khi ra đường để lo cho con, cho chồng. Má bảo tết nhất không có ai buôn bán gì đâu, đi chơi mang đồ ăn nhà theo cho chắc ăn. Ba phụ má cắt bánh tét, tôi cắt dưa, trong lúc đó, má lục túi nhỏ túi to kéo ra một ít mứt mãng cầu, mứt me. Toàn những món má chọn, má tự tay làm cả thôi.

Ba hay cười, khen má làm thịt kho măng ngon. Khi đó, thế nào má cũng kể các công đoạn làm măng khô từ mấy bụi tre sau nhà công phu ra sao. Nào là chọn cắt măng, luộc măng xong xắt mỏng phơi khô ra sao. Lần nào cũng vậy, chưa đến đoạn luộc ngâm măng và xé sợi nhỏ trước khi kho với thịt, trứng là má đã bị ba trêu “kể công hoài”. Năm này không còn ba, nhưng má cũng đã chuẩn bị sẵn sàng món măng khô để kho thịt với trứng, tết về dâng cúng.

Từ khi ba mất, tôi hay hỏi má về các mối quan hệ bạn bè thân. Má kể người ở nơi này, chốn kia. Nhưng mà tết này má không đến nhà họ được đâu, bởi còn tang. Tết ai đến nhà chơi với má, thì má vui. Tôi nói, vậy thì nhấc máy lên gọi hẹn hò liền đi má ơi. Má cười. “Má có Zalo với Facebook mấy bả rồi, để nhắn thử xem sao!”.

Rồi má gợi ý cho tôi: “Má lớn tuổi, tết ở nhà tiếp khách cũng không sao. Còn con, ngoại trừ hạn chế mùng 1 đến nhà người ta tránh kiêng kỵ thì cũng nên ra đường, xuống phố cho vui”. Tôi cười bảo má đừng lo, con sẽ đi cùng với bạn con ra Bờ Hồ dạo phố mùa xuân. Năm này quê mình tổ chức đường hoa xuân đẹp lắm má nghen. Má muốn đi không, con sẽ dắt má thăm quan, sẵn chụp cho má vài pô ảnh kỷ niệm luôn. Mắt má cười long lanh.

Tôi dặn má tết năm này làm gì làm, nhớ dành 2 buổi tối mùng 4 và mùng 5 đi nghe hát với con. Má bất ngờ hỏi: “Bộ Minh Vương, Lệ Thủy về quê mình hả con?”. Tôi cười giòn “Làm gì có các cô chú ấy má. Chỉ có con đi thi hát Mừng Đảng - Mừng xuân ở Trung tâm Văn hóa huyện mình thôi nè. Má con mình đi giao lưu, kết nối cho vui”.

Má lại cười, gật gù nhắc chuyện hồi nhỏ tôi từng hay đi hát nhạc sống đám cưới. Má kể có lần tôi tham gia cuộc thi hát thiếu nhi mừng xuân, được giải khuyến khích thôi mà ba tôi vui quá đi khoe khắp với họ hàng. Tôi bồi hồi nhớ lại. Thời gian trôi. Nhanh quá, mới đó mà đã hơn 20 năm.

Tết này, tôi sẽ chọn bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” để dự thi. Bài hát rất quen thuộc với người dân Đất Đỏ, quê nội tôi.

Trong sắc nắng vàng rộm của những ngày cuối năm, hai má con bỗng dưng cùng hòa thanh “Mùa hoa lê ki ma nở - Ở quê ta miền Đất Đỏ - Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng - Đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở - Đời sau vẫn còn nhắc nhở”.

TRƯƠNG QUỐC PHONG

Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu

Tin cùng chuyên mục