Israel nhấn mạnh điều kiện chấm dứt xung đột
Trước đó, ngày 31-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra lộ trình hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy tự do cho các con tin. Đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel sẽ rút khỏi Gaza và các con tin - bao gồm người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương - sẽ được đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Dân thường Palestine sẽ trở về Gaza, trong đó có miền Bắc Gaza, và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong giai đoạn thứ 2, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Tổng thống Joe Biden khẳng định lệnh ngừng bắn “sẽ vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn”. Giai đoạn thứ 3 sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Ngay sau khi Washington công bố đề xuất được cho là mang lại lợi ích cho cả Israel, Palestine cũng như an ninh lâu dài của khu vực trên, ngày 1-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã hoan nghênh đề xuất của Israel, coi đây là “cơ hội quan trọng” nhằm chấm dứt xung đột. Theo Hãng tin Reuters, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Tổng thống đắc cử của Indonesia, Prabowo Subianto, cho biết Indonesia sẵn sàng gửi quân gìn giữ hòa bình tới thực thi lệnh ngừng bắn ở Gaza nếu được yêu cầu.
Phong trào Hồi giáo Hamas cũng ra tuyên bố khẳng định sẵn sàng tham gia “một cách tích cực và theo hướng xây dựng” với bất kỳ đề xuất nào dựa trên cơ sở về lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza.
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, xung đột sẽ chỉ kết thúc khi nào Israel đạt được toàn bộ mục tiêu, trong đó có việc trả tự do cho tất cả con tin, phá hủy khả năng quân sự và bộ máy của Hamas.
Theo Euronews, trong khi lực lượng Israel tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào TP Rafah ở phía Nam Gaza, các quan chức của Ai Cập, Mỹ và Israel dự kiến nhóm họp tại Cairo trong tuần tới để thảo luận về kế hoạch mở lại cửa khẩu biên giới Rafah.
Trao thêm quyền cho Palestine trong WHO
Trong một diễn biến khác, tại khóa họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 77, các nước đã bỏ phiếu nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về việc trao thêm quyền cho Palestine trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tương tự như động thái trước đó của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Dự thảo nghị quyết do một nhóm, chủ yếu là các nước Arab, Hồi giáo cùng Trung Quốc, Nicaragua và Venezuela, đưa ra, kêu gọi trao cho Palestine - vốn có tư cách quan sát viên tại WHO - gần như tất cả các quyền tương tự các thành viên chính thức. Cùng ngày, WHA lần thứ 77 cũng thông qua nghị quyết hối thúc WHO hành động để giải quyết nhu cầu y tế ngày càng tăng cao ở Dải Gaza. Theo nhiều nguồn tin, các quốc gia thành viên của WHO đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo, ủng hộ dự thảo nghị quyết kêu gọi tổ chức hội nghị tài trợ về nhu cầu y tế tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đồng thời kiến nghị đưa ra nhiều báo cáo hơn về tình hình “thảm khốc” ở Dải Gaza và “hành vi phá hủy vô cớ” của Israel đối với “các cơ sở y tế”.