Không còn là hy hữu
Cụ thể, trong cuốn sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (đơn vị liên kết và phát hành là Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ văn hóa Minh Long), nhóm tác giả đã “sao chép rất nhiều cách giải thích công phu, độc đáo, lần đầu tiên được công bố” của tác giả Hoàng Tuấn Công từng đăng rải rác trên trang blog “Tuấn Công thư phòng” từ năm 2013 đến 2018.
Ngoài ra còn có những tư liệu trong cuốn sách đã được xuất bản, từng được trao giải Sách hay 2017 của Hoàng Tuấn Công là Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu (Phương Nam và NXB Hội Nhà văn).
Lần này, đích thân tác giả Hoàng Tuấn Công phát giác và lên tiếng. Ngoài lý do bảo vệ tác phẩm, quyền tác giả của mình, theo tác giả Hoàng Tuấn Công, từ năm 2017, trong quá trình quan tâm và theo dõi mảng sách từ điển, anh nhận ra tình trạng lộn xộn, đặc biệt là loại sách từ điển dành cho học sinh kém chất lượng, thể hiện việc sao chép cái sai của nhau để làm từ điển.
và việc tác giả Hoàng Tuấn Công lên tiếng
“Trong khi những cuốn sách đó có giấy phép xuất bản, quyết định xuất bản của Cục Xuất bản cấp, rồi có tên của các đơn vị liên kết, được phát hành một cách chính thống như thế thì tại sao NXB Thanh Niên không làm động thái truy nguồn gốc? Nếu là sách lậu, không bao giờ họ dám đưa vào những hệ thống phát hành lớn như vậy”, tác giả Hoàng Tuấn Công đặt vấn đề.
Tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết, anh mong muốn sự việc phải làm cho ra lẽ và cũng mong tạo được tác động đến người làm sách, các NXB, đơn vị kinh doanh sách kể cả Cục Xuất bản cũng phải xem xét lại công tác giám sát, quản lý của mình.
Trách nhiệm lớn nhất thuộc về NXB
Câu chuyện trên cùng với nhiều sai phạm trong xuất bản, đặc biệt là trong vấn đề liên kết xuất bản, bộc lộ một thực tế: các NXB đang thụ động và đặt lòng tin vào các đơn vị liên kết quá nhiều. Một số NXB chỉ cấp giấy phép mà lơ là công tác giám sát và kiểm định chất lượng của ấn phẩm.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, những bất cập trong ngành xuất bản kéo dài từ nhiều năm trước, nay có giảm nhưng vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín và làm mất lòng tin, trước hết là cho chính tác giả, nhóm biên soạn, sau đến NXB và cuối cùng là ngành xuất bản.
Ông Lê Hoàng cho rằng, phía NXB là tổ chức thứ hai phải chịu trách nhiệm, cao hơn nhóm biên soạn hay đơn vị liên kết. Các NXB không được phép tin và đẩy hết trách nhiệm cho nhóm biên soạn hay đơn vị liên kết. “Biện pháp xử phạt, chế tài trong thời gian qua của Cục Xuất bản rất mạnh. Bây giờ cũng đã lập được trật tự, nhất là những lỗi thuộc về nghiệp vụ hay có tính chất nghiệp vụ như thế này”, ông Lê Hoàng nói thêm.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên mới đây, bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, đơn vị này đã ra quyết định thu hồi và tiêu hủy toàn bộ cuốn sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
Đơn vị này cũng đã họp và thống nhất một số nội dung liên quan, trong đó đáng chú ý là quy định: “Tất cả các tác giả có bản thảo đăng ký xuất bản tại NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đều phải có giấy cam kết không vi phạm bản quyền dưới bất cứ hình thức nào. Ngoài chủ biên, trưởng nhóm, tất cả các tác giả tham gia biên soạn đều phải cung cấp các thông tin về nhân thân…”.
Cách đây mấy năm, một tác giả đã lên tiếng tố NXB Giáo dục khi đơn vị này đã sử dụng các bài viết của anh mà không xin phép. Sự việc vỡ lở, NXB liền đẩy quả bóng trách nhiệm sang nhóm tác giả biên soạn. Trên thực tế, ngoài tác giả trên còn rất nhiều tác giả khác cũng là “nạn nhân” của NXB Giáo dục nhưng đến nay họ vẫn không nhận được bất cứ liên hệ nào từ đơn vị này. Có thể kể đến các tác giả như Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Hồng Thiện, Định Hải… (có bài viết xuất hiện trong cuốn Luyện tập Tiếng Việt 3); Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Nhật Ánh… (trong cuốn Ôn luyện và kiểm tra tiếng Việt lớp 5). |