Tôi nhớ cái không khí tết ở quê, cái không khí yên bình không nặng nhẹ bon chen, nơi đó có mẹ có ngoại có cha có cô dì ở lối xóm. Nhớ những ngày còn tấm bé, ở nhà quê mỗi độ tết về vui dữ lắm. Từ đầu tháng chạp là nhà nhà đã rối rít chuẩn bị từng chút một để đón một cái tết mới. Tết quê không cần chuẩn bị gì nhiều, chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, chuẩn bị món ăn thịnh soạn hơn ngày thường một chút và đặc biệt là dọn dẹp bàn thờ ông bà thật gọn gàng. Mẹ tôi và bà ngoại rất khéo chuyện nấu nướng nên mấy ngày gần tết hầu như cả ngày chỉ thấy loay hoay ở dưới bếp. Nơi chái lá nhỏ đơn sơ, khói bếp cứ là đà làm cay mắt mẹ, nồi thịt kho trứng riu riu mẹ nấu từ sớm bửng cũng đã chín rồi, ở ngoài sân, cha đang tước lá mai cho kịp nở ngày mùng 1, trong tiết trời lạnh hiền hòa ở quê có vài cây mai đã nở bung hết. Bà ngoại thì cặm cụi mang bộ lư bằng đồng xuống chùi cho sạch, lau dọn bàn thờ cho bóng loáng thơm tho. Từ ngày ông ngoại mất, mỗi độ tết về tôi thấy bà ngoại hay ngồi nhìn lên bàn thờ mà ánh mắt đượm tâm tư.
Tết phương Nam bắt đầu rộn ràng từ 23 tháng chạp, ngày này mẹ sẽ nấu món chè trôi nước để đưa ông táo về trời. Trong đời sống tâm linh của người việt nói chung và người nam bộ nói riêng thì ông công hay ông táo là một vị thần chuyên canh giữ chuyện bếp núc, là thần giữ lửa, giám sát mọi cái ăn nếp ở của gia đình và họ thường trú ngụ ở cái bếp cà ràng. Mỗi ngày vào ngày 23 tháng chạp, các ông sẽ về trời trình diện ngọc hoàng, báo cáo về tình hình gia chủ trong năm qua. Vì vậy vào ngày này, nhà ai cũng ráng làm cúng cho ông táo mâm cơm tươm tất nhất có thể cầu mong ông táo kể nhiều điều tốt và xin phước lộc về với gia đình mình. Mâm cúng ông táo thì cũng đơn giản, chủ yếu là xôi nếp, nhang đèn, ngựa giấy và đặc biệt không thể thiếu chè trôi nước. Chè trôi nước nam bộ đặc sắc với đủ màu bắt mắt chủ yếu là làm từ các loại hoa lá có sẳn ở quê hết sức lành tính. Màu đỏ thì làm từ trái gấc, màu xanh từ lá dứa, màu xanh biển từ hoa đậu biếc, màu vàng từ hoa dành dành. Viên chè trôi nước dẻo mềm từ bột nếp, nhân đậu xanh béo bùi thơm ngọt tắm mình trong nước đường ngọt lịm thơm mùi gừng và beo béo của nước cốt dừa. Mẹ biết tôi rất thích ăn chè ỉ nên mỗi lần xay bột nấu chè, mẹ đều làm 1 nồi chè ỉ không có nhân để cho tôi ăn. Cái dư vị ngọt ngào ấy có lẽ cả đời không thể kiếm ở đâu ra được.
Ngày 29 tháng chạp, khi cái tết đã hiện hữu gần như trọn vẹn ở mỗi nhà, bàn thờ ông bà đã tươm tất nhà cửa trong ngoài gọn gàng thoáng đãng. Cha trưng lên bàn thờ mâm ngũ quả gồm 5 trái cây thân thuộc là Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, và một chùm sung. Lý do mà ông bà ta từ xưa đã chọn 5 loại quả này để trưng vào dịp tết cũng vì người nam bộ thường dùng lối chơi chữ để biểu thị những mong muốn của mình. Cầu - Dừa - Đủ - Sài - Sung thể hiện mong muốn có đủ ăn đủ mặc gia đình sung túc là hạnh phúc lắm rồi. Ngoài hiên nhà chim én ghé về thăm, bà ngoại cũng mõi trông theo cánh chim bay mà chờ mong con cháu quay về đông đủ. Chiều hôm đó, cả xóm giềng tề tụ đầy đủ tại nhà tôi để phụ ngoại gói bánh tét. Nguyên liệu gói như lá chuối, dây lạt, chuối nếp đậu xanh thịt mỡ thì mỗi nhà góp một chút lại, về sau sẽ chia đều mỗi nhà vài đòn dùng tết. Người ở quê là vậy đó, có câu nệ cái gì đâu, quan trọng là tình làng nghĩa xóm với nhau. Với tôi, không có đêm nào vui bằng đêm gói bánh tét, mọi người loay hoay từ chiều 29 thức trắng đêm đến rạng sáng 30, người lớn thì vừa gói bánh vừa trò chuyện, con nít tụi tôi thì quậy phá lấy lá chuối rách và nếp dư gói đòn bánh không nhân. Tuy đòn bánh xấu xí rách tươm nhưng mọi người cũng khen hứa sẽ đem bánh này cho tụi tôi ăn trước. Đèn khuya lập lòe bên căn nhà nhỏ, tiếng cười nói rôm rã vang thôn quê. Rạng sáng ngày 30 ngoại với cha đem bánh ra sân luộc, bếp lửa đỏ hồng ấm áp không gian, khói bếp lan man tràn vào trong ánh mắt ngoại.
Tinh tươm sáng 30 mẹ dắt tôi ra chợ tết mua dăm ba món đồ về nấu mâm cơm cúng ông bà. Chợ quê không đèn hoa rực rỡ cũng chẳng có tiếng nhạc xập như ở thành phố. Nhưng chợ tết quê cũng đông người, cũng nhộn nhịp, cũng có nhiều hoa. Tôi ôm hai trái dưa hấu thiệt to cho mẹ, mẹ nê na mấy món rau củ, thịt heo mắm muối. Lúc về mẹ không quên mua thêm hai chậu hoa vạn thọ để trưng trước mộ ông ngoại. Về đến nhà trời cũng đã sáng bưng. Mẹ vội vào bếp cùng ngoại nấu cơm. Mâm cơm ngày 30 ở quê dân dã với những món ăn thân quen truyền thống mà nhà ai cũng dùng y như nhau. Bao gồm có thịt kho trứng, chả lụa, gà tiềm dưa hành củ kiệu, đòn bánh tét o mềm thơm thảo... và đặc biệt không thể thiếu món canh khổ qua. “Canh khổ qua mẹ nấu chê đắng, bước ra đời ngậm đắng nuốt cay” cho đến tận bây giờ mới hiểu được hết ý nghĩa của câu nói này. Ngoài đời bữa đói bữa no, ở nhà với mẹ cơm canh đủ đầy, mẹ nói ráng ăn canh khổ qua cho cái khổ nó qua. Chiều 30 tết, ngoài sân mai nở rực vàng mấy cậu mấy dì cùng cháu con đã tề tựu đầy đủ. Ai cũng vui ai cũng cười đùa rôm rã, nhưng người vui nhất chắc chắn là ngoại tôi.
Dọn mâm cơm ra nóng hổi thơm lừng, thơm mùi hương của quê hương và thơm mùi của tình thương cha mẹ. Ăn xong bữa cơm cả gia đình quây quần bên bàn trà ăn bánh mứt. Chờ đến khoảnh khắc giao mùa rồi mới đi ngủ. Mấy đứa nhỏ tụi tôi thì nôn đến mùng 1 tết lắm vì sẽ được mặc áo mới đi vòng quanh xóm chúc tết và nhận lì xì. Tết đến rồi chuyện gì buồn hãy bỏ qua một bên, bận bịu mấy cũng ráng về bên mái nhà. Chẳng nơi đâu thương ta vô điều kiện như gia đình của mình. Tết không chỉ là một ngày lễ, mà còn là cơ hội. Cơ hội để tình yêu thương được đong đầy, để những muộn phiền được giải tỏa. Tết là khoảng thời gian mọi thứ thay đi cái lớp áo cũ kỹ mà khoắc lên sự tươi mới. Tết dành cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai. Người giàu cũng ăn tết, người nghèo cũng ăn tết, tết nhà giàu thì vật chất đề huề, tết nhà nghèo thì chỉ cần còn có gia đình để về là cũng vui.
HUỲNH TIẾN ĐẠT
Huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng