Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc

Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ lưu giữ những giá trị lịch sử qua văn hóa mà còn qua từng công trình kiến trúc. Cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp" ra mắt ngày 6-12, đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về lịch sử Hà Nội thăng trầm, được thể hiện qua những di sản kiến trúc đặc sắc.

kien truc 4.jpg
Hệ thống trang trí diềm mái của Đại học Quốc gia Hà Nội

Sách không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn là một tài liệu sử liệu, kể lại lịch sử Hà Nội qua ba phần: Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa, kiến trúc thời Pháp thuộc và kiến trúc sau năm 1954.

Cuốn sách giống một cỗ máy thời gian, đưa độc giả trở về thời kỳ “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” của Thăng Long xưa, nơi thành quách và nhà cửa mang nét mộc mạc, dân dã của vùng “kẻ chợ”.

Tiếp đến, thời kỳ Pháp thuộc đánh dấu sự chuyển mình với các phong cách Beaux-Arts, Art Déco, Gothic, Đông Dương.

Những công trình tiêu biểu như Nhà hát Lớn Hà Nội, Phủ Chủ tịch, Khách sạn Metropole, hay Nhà tù Hỏa Lò không chỉ thể hiện sự tráng lệ của kiến trúc phương Tây mà còn khéo léo lồng ghép những họa tiết đậm chất Việt Nam.

kien truc 3.jpg

Theo phân tích của nhiều kiến trúc sư, cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc ghi chép lịch sử mà còn là cách để lan tỏa tình yêu Hà Nội và ý thức giữ gìn di sản văn hóa, đặc biệt đến thế hệ trẻ. Kiến trúc là đỉnh cao của sáng tạo, sự kết tinh giữa nghệ thuật tạo hình và khoa học xây dựng. Những công trình này chính là ký ức và điểm tựa phát triển tương lai.

Được thực hiện trong hai năm với sự tham gia của các chuyên gia và đội ngũ trẻ, cuốn sách do Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA chủ trì, với sự tài trợ của Tập đoàn Sun Group và ông Maurice Nguyễn - chắt của kiến trúc sư François Lagisquet, người từng tham gia thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội.

kien truc 2.jpg
Mặt chính Nhà thờ Cửa Bắc hướng nhìn từ phố Nguyễn Biểu

Phần lớn đội ngũ thực hiện sách là những người trẻ ở độ tuổi 30. Họ mang đến cách tiếp cận hiện đại, sáng tạo, giúp cuốn sách trở nên dễ tiếp cận và gần gũi hơn với mọi đối tượng độc giả.

Không khô khan như những tài liệu học thuật thông thường, Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt - Pháp là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình ảnh sống động và ngôn từ giàu cảm xúc, như một “lời tự tình” của Hà Nội gửi đến độc giả.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam nhận định: “Cuốn sách này, một lần nữa sẽ đưa chúng ta đến với những công trình đặc sắc đó, những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Chúng không chỉ đang giữ những chức năng quan trọng, là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc, đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức, điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai…”.

kien truc 1.jpg

Còn kiến trúc sư Phan Đăng Sơn đã viết: "Cuốn sách này góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở ngàn năm văn hiến, giúp độc giả cảm nhận sâu sắc những giá trị di sản kiến trúc”.

Qua từng trang sách, người đọc không chỉ được khám phá một Hà Nội quen mà lạ, mà còn cảm nhận được sự sống động của lịch sử đang ùa về qua từng góc phố, từng mái nhà.

Quyển sách rất đẹp về trình bày, nhưng ấn tượng hơn nữa là những giá trị của các tài liệu lần đầu tiên xuất hiện, từ những bản vẽ tay bằng bút mực xanh ngày xưa cho đến những bức ảnh

- KTS Đoàn Kỳ Thanh

Cuốn sách có các tư liệu lần đầu được công bố. Có thể thấy, các tác giả làm nên tác phẩm này không chỉ có tình yêu với Hà Nội, kiến trúc Pháp, mà còn thể hiện trách nhiệm cho thế hệ sau rất lớn. Những nhà nghiên cứu về sau khi cần thông tin, sẽ nghiên cứu học tập trên cơ sở này.

Tin cùng chuyên mục