Kể chuyện 4.000 năm

Trong bối cảnh tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng nhanh và rộng, việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống đang gặp nhiều thử thách. Nhiều nhóm bạn trẻ đã mạnh dạn phát huy những nét đẹp của văn hóa truyền thống bằng tiếng nói, xu hướng của thế hệ Z (gen Z) để lan tỏa các giá trị ngàn năm văn hiến.

Dám nghĩ dám làm

Bắt đầu với tinh thần dám nghĩ dám làm của gen Z, 2 bạn trẻ vừa tốt nghiệp Trường Đại học RMIT là Phạm Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thùy Vy đã thành lập Zám Studio (đơn vị xây dựng và phát triển thương hiệu văn hóa), với tinh thần “lan tỏa 4.000 năm rực rỡ thêm gần bạn”.

Sự ra đời của Zám Studio (hay được gọi là Zám) cũng như dự án đầu tiên với Bảo tàng Lịch sử TPHCM, khởi nguồn từ một ý tưởng bất chợt, khi Vinh đọc được một bài đăng vô cùng dí dỏm và hài hước từ Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Quang Vinh chia sẻ: “Khi đọc bài viết đó, tôi tự hỏi tại sao chúng ta không thử nhân rộng sáng kiến thú vị này cho những bảo tàng khác ở TPHCM?… và thế là Zám được hình thành”.

O6A.jpg
Nhóm Zám được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM lần 6, do UBND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức

Ý tưởng đã có, nhưng cái “gật đầu” thì vẫn chưa, khi thư ngỏ gửi đến nhiều bảo tàng trong thành phố mà chỉ có Bảo tàng Lịch sử TPHCM hồi âm đồng ý.

“Chúng tôi bắt đầu khởi động dự án này từ tháng 10-2022, với hoạt động đột phá đầu tiên là tổ chức khảo sát khách tham quan, qua đó tìm hiểu nhìn nhận hiện tại của mọi người về bảo tàng và lịch sử, sau đó là vô vàn những cuộc họp và trao đổi với ban lãnh đạo bảo tàng. Hơn 10 phương án đã được đưa ra cân đo đong đếm để có bộ nhận diện như hôm nay. Mỗi tháng chúng mình sẽ cố gắng họp 1 lần và số lượng file đã gần chạm 20 phiên bản”, Phạm Quang Vinh kể lại.

Từ hình ảnh đầu rồng đất nung thời nhà Trần quen thuộc, các thành viên của Zám đã kết hợp cùng tia sáng của biểu trưng thương hiệu, để phát triển thành hình ảnh hoa văn mới khi chú rồng thời Trần bung tỏa lấp lánh từ bốn hướng như một lời mời gọi tất cả cùng khám phá. Hoa văn này nằm trong bộ 12 hoa văn được Zám phát triển cho từng thời kỳ lịch sử, từng triều đại phong kiến được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Bộ nhận diện thương hiệu mới mẻ cho bảo tàng đã gần 100 năm tuổi tạo nên sức hút và thuyết phục công chúng. Phạm Quang Vinh cho biết: “Sau khi tung ra bộ nhận diện thương hiệu cho bảo tàng, con số cập nhật khiến cả nhóm vừa mừng vừa bất ngờ. Chỉ sau 2 tuần, trang fanpage trên nền tảng Facebook của bảo tàng đã có thêm gần 2 triệu lượt yêu thích, hoàn toàn là tự nhiên, không mất một đồng quảng cáo nào hết”.

Tương lai truyền thống thuộc về người trẻ

2 năm không ngừng học hỏi từ các bảo tàng lớn trên thế giới, thử nghiệm các hướng đi khác nhau cho Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Phạm Quang Vinh chia sẻ: “Chúng tôi tiếp cận văn hóa và lịch sử theo 2 cấp độ nhằm cân bằng giữa việc giữ gìn và đổi mới. Giữ gìn và bảo tồn: vẽ lại, kể lại những câu chuyện, những hoa văn theo tính toàn vẹn và nguyên bản nhất. Phát huy và kiến tạo: Kết hợp các hoa văn, các câu chuyện qua một lăng kính mới mẻ của tuổi trẻ để tìm ra những điểm thú vị, từ đó thổi hơi thở mới của cuộc sống đương đại vào lịch sử”.

Nỗ lực lan tỏa của nhóm bạn trẻ thành viên Zám, bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tại giải thưởng Wechoice Awards 2024 vừa diễn ra tại TPHCM, nhóm Zám được đề cử cho hạng mục Nhóm Gen Z Tài năng với hơn 45.000 lượt bình chọn.

Trước đó, bộ nhận diện thương hiệu của Bảo tàng Lịch sử TPHCM được xướng tên cho hạng mục Chiến dịch Tái định vị thương hiệu ấn tượng tại Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam. Và nhóm Zám cũng được tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM lần 6, do UBND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức.

Hành trình lan tỏa giá trị văn hóa, câu chuyện lịch sử của dân tộc chưa và sẽ không bao giờ ngừng lại, nó luôn vận động và song hành cùng nhịp sống như một dấu gạch nối - trao truyền và tiếp nối qua các thế hệ.

Phạm Quang Vinh bày tỏ: “Trên hành trình này, không thể thiếu sự tin tưởng từ các thế hệ đi trước, một sự tin tưởng mạnh mẽ rằng thế hệ trẻ có thể chung tay, cùng đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống. Tin tưởng, thấu hiểu và luôn cởi mở đón nhận những chuyển mình đột phá - đó cũng là nền tảng quan trọng để người trẻ thực sự trở thành tương lai của truyền thống”.

Tin cùng chuyên mục