Làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) là nơi chung sống của hơn 100 hộ đồng bào Ba Na bản địa, người Kinh và người Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây lập nghiệp. Giữa làng mới, nhà lưu niệm anh hùng Núp nằm yên ắng ven đường, đối diện ngôi nhà rông của làng mái vút cao. Trò chuyện với chúng tôi vào ngày đầu xuân, già làng Đinh Nhúy, cháu gọi anh hùng Núp bằng bác, cho hay: “Đồng bào Ba Na tại làng Stơr đã chịu khó làm ăn, không còn hộ đói nữa, hộ nghèo cũng ít đi. Năm xưa, người Ba Na đánh giặc kiên cường bao nhiêu, thì nay cũng quyết tâm phát triển kinh tế gia đình bấy nhiêu. Ơn Đảng cho nhiều thứ, nhưng chúng tôi không vì thế mà ỷ lại, trông chờ. Giờ đây trong làng đã thấy ngát màu xanh của những nương mì, rẫy bắp. Một số hộ còn trồng cây thuốc lá, xoan đào, bạch đàn và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên có thu nhập khá”.
Còn làng Buôn Lưới (xã Sơ Pai, huyện Kbang), là một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, với hơn 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Anh Đinh Khép, một người dân tộc Ba Na trong làng, chia sẻ: “Từ năm 2010 trở về trước, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, nhà ván tạm bợ, lụp xụp. Đất sản xuất canh tác lâu năm nên bạc màu, trồng trọt rất khó, gia đình phải chạy vạy từng bữa ăn. Năm 2011, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ xây cho căn nhà trị giá 25 triệu đồng và tặng một con bò giống; chính quyền địa phương còn tạo điều kiện ổn định cuộc sống bằng việc cấp cho gia đình hơn 1ha đất sản xuất. Có nhà ở, có đất sản xuất, gia đình tôi gắng sức trồng cà phê và xen canh cây mì, rau xanh. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã cải thiện, ổn định, mấy đứa nhỏ cũng đã đi học cấp 3. Trong năm 2020 này, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng cà phê, chăn nuôi gia súc và thuê đất trồng rừng để xây dựng cuộc sống gia đình thêm sung túc”.
Đến Kbang hôm nay, nội dung được nhắc đến nhiều nhất là chuyện đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt thành trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi phương thức làm kinh tế. Ghé thăm làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng), chúng tôi ngạc nhiên trước cơ ngơi của anh Đinh A Ngưi, dân tộc Ba Na. Anh là người đi đầu trong cộng đồng Ba Na ở vùng Đông Gia Lai tham gia kinh doanh dịch vụ homestay. Homestay của anh Ngưi được xây dựng trên diện tích 1ha, với 4 phòng ngủ và một nhà sinh hoạt cộng đồng. Cổng vào được thiết kế mộc mạc, đơn sơ nhưng thể hiện rõ bản sắc văn hóa của người Ba Na ở Gia Lai. Trong khu nhà, anh Ngưi trưng bày bộ sưu tập cồng chiêng, đàn t’rưng, nhiều vật dụng, trang phục được làm từ thổ cẩm, do chính người thân trong gia đình làm. Vốn là cán bộ văn hóa - thông tin huyện Kbang, khi mở dịch vụ homestay, anh Ngưi đã mời các đội cồng chiêng, múa xoang lớn nhỏ, các đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, các nghệ nhân hát sử thi trong cộng đồng Ba Na để phục vụ, giúp cho khách lưu trú có dịp trải nghiệm về đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Anh Ngưi còn vận động các hộ Ba Na trong vùng nuôi heo, gà, ủ rượu cần, để khi có khách đến làng thì sẽ có thể cung ứng các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Làng Kgiang hiện có hơn 140 hộ gia đình, tất cả đều là người Ba Na, nhờ sự vận động của anh Ngưi nên đều chung tay làm du lịch cộng đồng, thu hút nhiều khách gần xa.
Trong những ngày đầu xuân mới, UBND xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) đã tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc để 8 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn xã giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tình cảm cộng đồng thêm gắn kết. Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, chia sẻ: “Bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình, đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng xã Kông Lơng Khơng nói riêng và huyện Kbang nói chung ngày càng tươi đẹp, phát triển”. |