Đàm phán chưa có kết quả
Những diễn biến mới nhất này diễn ra sau khi lực lượng Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul. Văn phòng Tổng thống Afghanistan cho biết hiện không thể bình luận về việc di chuyển của ông Ghani vì lý do an ninh. Trong khi đó, phía Taliban cho hay sẽ xác nhận thông tin ông Ghani có còn ở Kabul hay không.
tối 15-8, được cho là hình ảnh của những tay súng Taliban tại Kabul
Trong đoạn video gửi tới truyền thông, ông Ghani đã hối thúc lực lượng chính phủ duy trì an ninh tại Kabul. Hỗ trợ cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Kabul của quân đội Chính phủ Afghanistan là lực lượng Mỹ mới được điều tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14-8 thông báo Mỹ triển khai 5.000 binh sĩ tới Afghanistan để hỗ trợ công tác sơ tán, đồng thời cảnh báo lực lượng Taliban không đặt phái bộ và người Mỹ vào tình thế nguy hiểm.
Nhân viên sứ quán Mỹ rời trụ sở, ra sân bay
Trước tình hình Afghanistan có nhiều chuyển biến nhanh, tạo ra những nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn, nhiều nước đã khẩn trương rút nhân viên ngoại giao về nước. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh với sự có mặt của lực lượng mới, chiến dịch sơ tán nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan đang diễn ra “một cách thận trọng, có trật tự và an toàn”. Ông Blinken cho biết các nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã rời trụ sở và đang di chuyển tới sân bay. Giới chức Mỹ cũng khẳng định lực lượng mới được điều tới sẽ tiếp tục làm việc với quân chính phủ và bảo đảm an toàn cho khu vực sân bay Kabul. Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tuyên bố sẽ duy trì bảo vệ sân bay để đảm bảo “kết nối Afghanistan với thế giới”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Canada thông báo tạm ngừng hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao nước này tại Kabul và các nhân viên ngoại giao đang trên đường quay về nước. Đại sứ quán Đức tại Kabul cũng thông báo đóng cửa, toàn bộ nhân viên được sơ tán đến khu vực quân sự trong sân bay Kabul. Cùng lúc, giới chức Đức cũng đẩy nhanh tiến độ sơ tán công dân của mình khỏi Afghanistan. Anh, Australia, Czech cũng lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp các nhà ngoại giao, nhân viên đại sứ quán và người dân của các nước này. Tuy nhiên, theo một quan chức ngoại giao Nga, nước này hiện chưa có kế hoạch đóng cửa Đại sứ quán tại Kabul.
Trước những diễn biến ở Afghanistan, Estonia và Na Uy đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn về tình hình tại quốc gia Tây Nam Á này “càng sớm càng tốt”. Nga cũng cho biết đang làm việc với các nước khác để triệu tập cuộc họp khẩn này. Quốc hội Anh thông báo sẽ quay lại họp khẩn vào ngày 18-8 về tình hình Afghanistan.
Vào lúc 23 giờ (giờ Việt Nam), hãng Reuters đưa tin các chỉ huy của lực lượng Taliban thông báo đã nắm quyền kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan ở thủ đô Kabul. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác với chính quyền chuyển tiếp ở Afghanistan, nhưng chưa công nhận Taliban là lực lượng cầm quyền hợp pháp tại quốc gia Tây Nam Á này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ không dỡ bỏ trừng phạt với Taliban kể cả khi lực lượng này lên nắm quyền, nếu họ tiếp tục vi phạm nhân quyền và hỗ trợ các nhóm khủng bố tại Afghanistan.
Trước đó, hãng Sputnik đưa tin quyền điều hành Afghanistan đã được chuyển giao cho một hội đồng, trong đó có cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia tối cao, ông Abdullah Abdullah. Hội đồng này sau đó sẽ chuyển giao quyền lực cho lực lượng Taliban. Cũng theo Sputnik, phái đoàn do lãnh đạo Taliban Abdul Ghani Baradar sẽ đứng đầu chính quyền lâm thời của Afghanistan. Phái đoàn này dự kiến từ Doha (Qatar) tới Kabul trong ngày 15 hoặc 16-8 (giờ địa phương).
Chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan |