Các nước lên án
Vụ đánh bom liều chết đầu tiên diễn ra tại cổng Abbey của sân bay Kabul vào tối 26-8, theo sau là một vụ tấn công của các tay súng. Một vụ tấn công bằng bom khác xảy ra tại một khách sạn ở khu vực sân bay. Các vụ tấn công diễn ra gần nơi có hàng ngàn người đang chờ được sơ tán khỏi Afghanistan. Vòng ngoài của lối vào sân bay do Taliban kiểm soát, trong khi các cổng sân bay được quản lý an ninh nghiêm ngặt bởi binh sĩ Mỹ. Hàng ngày, lực lượng này phụ trách giám sát dòng người vào sân bay tìm cách rời khỏi Afghanistan.
Phía quân đội Mỹ có 13 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ không bỏ qua và sẽ truy lùng những phần tử khủng bố. Ông đã chỉ đạo các chỉ huy quân đội Mỹ lên kế hoạch tấn công các tài sản, lãnh đạo và cơ sở của ISIS-K. Vụ tấn công tại sân bay ở Kabul sẽ không ngăn cản sứ mệnh của Mỹ trong việc sơ tán công dân Mỹ và dân thường Afghanistan khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Kịch liệt lên án những vụ tấn công khủng bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, quyết định của Mỹ không kéo dài thời hạn chót rút quân khỏi Afghanistan sau ngày 31-8 đã đặt Afghanistan vào tình thế không thể kiểm soát. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đây là hành động hèn hạ, đồng thời cho biết tuy Đức đã ngừng hoạt động sơ tán ở thủ đô Kabul nhưng Berlin vẫn nỗ lực để đưa những người cần được bảo vệ ra khỏi Afghanistan. Hiện một số quốc gia như Bỉ, Canada, Đan Mạch, Hà Lan tuyên bố tạm dừng hoạt động sơ tán khỏi sân bay ở Kabul vì không thể đảm bảo an ninh cho các chuyến bay từ sân bay này.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng đã lên án vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Kabul. Ông Antonio Guterres dự kiến họp với đại sứ các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga) về tình hình Afghanistan vào ngày 31-8. Slovenia, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, thông báo triệu tập cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ EU bằng hình thức trực tiếp vào ngày 31-8 để xem xét tình hình sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul.
Sẵn sàng ứng phó
Sau vụ đánh bom, giới chức quân đội Mỹ và châu Âu lên tiếng cảnh báo về nguy cơ diễn ra những vụ tấn công tương tự. Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, cho biết, quân đội nước này đang cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công có thể bằng rocket hoặc xe đánh bom liều chết. Taliban cho biết sẽ bổ sung lực lượng bảo vệ và đang lắp đặt tháp canh xunh quanh toàn bộ các sân bay của Afghanistan.
Hai vụ đánh bom đẫm máu tại khu vực sân bay quốc tế ở Kabul là lời khẳng định Afghanistan vẫn là hang ổ của hàng ngàn tay súng thánh chiến Hồi giáo. Thủ phạm gây ra vụ tấn công - ISIS-K - là một nhánh của nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, từng công khai chặt đầu các nhà báo nước ngoài và có hành động tàn bạo đối với người Kurd cũng như những người khác ở Iraq và Syria.
ISIS-K chính thức được thành lập vào tháng 1-2015 từ một số thành viên cũ của Taliban. Chỉ trong một thời gian ngắn, ISIS-K đã củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ tại một số quận nông thôn ở phía Bắc và Đông Bắc nước này, đồng thời phát động chiến dịch gây chết chóc trên khắp Afghanistan và Pakistan. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, ISIS-K có xu hướng nhắm vào những người mà họ xem là kẻ ngoại đạo.
ISIS-K có từ 1.500-2.200 tay súng và đặt căn cứ ở ở phía Đông Kabul thuộc tỉnh Kunar và Nangarhar gần biên giới Pakistan. Các chuyên gia nhận định, cuộc tấn công của ISIS-K không chỉ nhằm vào người Mỹ mà còn muốn gây rắc rối cho Taliban khi lực lượng này tiến hành kiểm soát Affghanistan. Taliban từng ngăn chặn các nỗ lực của ISIS-K bằng cách tổ chức những cuộc tấn công đáp trả nhằm vào lực lượng và vị trí của ISIS-K.