K52, tôi và đồng đội

Trong cuộc đời chiến đấu, công tác và viết báo, tôi đã có nhiều lần đi công tác tại các nước lân cận, nhưng nhớ nhất vẫn là ba lần sang đất bạn Campuchia với ba hoàn cảnh, vai trò khác nhau. Mỗi lần là một thời điểm khắc ghi không thể nào quên và tôi mang theo những kỷ niệm ấy như hành trang suốt cuộc đời mình…
K52, tôi và đồng đội

Trong cuộc đời chiến đấu, công tác và viết báo, tôi đã có nhiều lần đi công tác tại các nước lân cận, nhưng nhớ nhất vẫn là ba lần sang đất bạn Campuchia với ba hoàn cảnh, vai trò khác nhau. Mỗi lần là một thời điểm khắc ghi không thể nào quên và tôi mang theo những kỷ niệm ấy như hành trang suốt cuộc đời mình…

Lễ cầu siêu quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia do nước bạn tổ chức.

1. Tháng 12-1978, lần đầu tiên tôi và đồng đội có mặt tại biên giới và bắt đầu đánh đuổi quân Pôn Pốt. Những chàng trai mười tám đôi mươi trong đội hình lính trẻ mới toanh lần đầu tiên hồi hộp đối diện với rừng xanh bạt ngàn, giáp mặt quân thù đen đủi ẩn hiện bóng cây bóng lá.

Không riêng gì cánh tân binh chúng tôi, các anh lớp lớn hơn cũng ngại ngùng với cái màu xám xịt đầy mùi “Khmer đỏ gian ác” ấy… Khốc liệt nhất là chúng tôi bắt đầu nếm mùi hy sinh. Đồng đội báo về trọng thương, tử vong từ tuyến trước, ngay trên trục đường vượt qua biên giới, qua ngầm Ôzadav, sâu hơn là đánh lên chiếm đồi xA, xB quân ta thiệt hại không nhỏ. Dọc đường biên qua đất nước bạn, xe cộ, phương tiện của ta bốc cháy ngùn ngụt khói đen, nhiều tháng như thế.

Những hình ảnh luôn theo tôi vào giây phút, thời khắc thiêng liêng nhất của đồng đội, đồng hương là buổi sáng, buổi trưa còn gửi lại vật quý cá nhân hoặc nắm tay chào hỏi tâm tình trước lúc đi chiến dịch truy quét quân Pôn Pốt trong rừng sâu… Chiều hôm sau đã nhận điện báo về ngắn gọn hai từ: hy sinh.

Chúng tôi lần lượt đi qua nhiều ngôi làng bỏ hoang, đồi cao, suối xanh và bắt gặp những khuôn mặt phờ phạc, lo âu, sợ hãi của bà con người Jrai, người Khmer và kể cả người Việt từ Nam bộ đã bao đời trôi dạt sang đây làm ăn, sinh sống. Họ sợ nhất khi thấy chúng tôi cầm dao, rựa, búa hay thậm chí khúc cây khô là họ run lên giãy nảy. Bởi bà con ám ảnh cuộc tàn sát, đánh đập của quân Khmer diệt chủng kia như vừa mới xảy ra.

Chúng tôi dừng lại bên chân đồi có suối nước, bên cạnh là làng dân vừa mới trở lại nhà mình sau nhiều ngày ẩn náu tận rừng sâu. Vượt qua nỗi âu lo, ngại ngùng của bà con, anh em chiến sĩ vồn vã giúp dân dọn dẹp, dựng lại cánh cửa, lợp lại mái tranh… Sau đó là cơm nắm, cá khô, bát canh rau lá giang, bộ đội và dân cùng ăn, con cá bắt dưới suối mang lên cũng chia sẻ cho nhau. Dân làng bắt đầu nói: “Ta hanh Viet Nam chóp lây lây” (Bộ đội Việt Nam tốt lắm). Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 143 của Tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum lúc đó vui và tự hào biết dường nào.

Dừng lại rồi đi. Ở lại vài ngày rồi đi. Vừa khép vòng cung cánh rừng Đông Bắc Campuchia của đội hình tình nguyện, chúng tôi lại đi. Chỉ có tình yêu theo gió theo lá, theo bước chân còn ở lại, từ đó in dấu với dân làng mảnh đất xưa.

2. Năm 2003, lần đầu tôi trở lại Ôzadav. Qua nước bạn lần này với tư cách là nhà báo đưa tin, viết bài cho buổi lễ đưa tiễn hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong kháng chiến trở về nước do phía bạn tổ chức. Tôi hồi hộp thật sự, bởi nghe đâu có cả hài cốt được cất bốc, quy tập đợt này của anh em chiến sĩ tình nguyện năm 1978 - 1979. Cả ngàn ngôi mộ còn nằm lại trên đất bạn chứ ít gì, một vài mộ anh em trở về với đất mẹ là mừng rồi.

Tôi lại theo anh em K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) vào rừng và nghe chuyện kể cảm động của những người lính sang nước bạn tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ đưa về nước. Một anh lính trẻ kể: “Những ngày đầu được dân địa phương chỉ mộ, chúng em mừng quá lao vào đào ngay. Gần chục hài cốt mang về lán trại thì trời vừa tối và cơn mưa ập tới. Ăn vội vã miếng cơm xong, chúng em phân công nhau lên võng có tấm tăng làm mái che, mỗi người ôm một hài cốt đã quấn chặt và ngủ. Một ngày quần quật xúc đất nên chúng em ôm hài cốt ngủ ngon lành đến sáng…”.

Và còn nhiều mẩu chuyện xúc động khác làm tôi nhớ mãi, cuốn sổ tay màu xanh chữ đỏ, chữ đen cứ quấn lấy, dày lên trang giấy tư liệu. Một lần anh em kể, dân báo có ụ mối thật to, theo phán đoán của dân là dưới ấy có mộ. Lực lượng K52 tập trung khoanh vùng, đào. Tiếp tục đào vùng bên cạnh thấy xương. Hết một buổi sáng, sang đến chiều cũng thấy xương… Nhưng kiểm tra kỹ thì phát hiện là xương trâu, bò gì đấy, không phải xương người.

Một ngày mệt nhoài, phí công nhưng cánh lính trẻ vẫn nhoẻn miệng cười, hồn nhiên và lục đục mang dụng cụ về trại với quãng đường xa, cắt rừng. Có lúc, mùa nước lũ chưa kịp rút, nghe báo có mộ bên kia suối lớn, anh em vẫn bơi qua, cố tìm cho được giữa điều kiện hiểm nguy khôn lường.

Đội K52 trong một lần dừng chân tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

3. Gần đây, một lần nữa tôi có mặt tại Stung Treng. Đã gần 40 năm rồi, trong tôi cứ bồi hồi dâng lên nỗi nhớ thân quen, ngập ngừng theo bóng dáng đồng đội còn in dấu đâu đây và rưng rưng từng cành cây, thớ đất trên dọc suốt con đường bụi đỏ, nắng lửa da người...

Tôi nhớ những năm 1978, 1979, những chàng lính trẻ đã nhiều lần qua Đồn 23, vượt ngầm là đối diện với rừng cây ngút ngàn. Trong rừng già xanh reo, nhiều anh tân binh lần đầu bước qua biên giới không giấu được khuôn mặt đang tím dần đi, ánh mắt thì ngơ ngác cho dù bọn tàn quân Pôn Pốt chẳng thấy đâu, chỉ khi màn đêm phủ xuống cánh rừng này thì lo lắm. Mưa bập bùng, đom đóm lập lòe thỉnh thoảng xẹt ngang xẹt chéo và họng súng AK cứ lăm lăm chĩa vào đêm đen đặc quánh... Những năm đó và mãi đến năm 1989 sau này, đồng đội tôi nằm xuống vĩnh viễn trên mảnh đất này đông lắm.

Chiếc xe cứ liên tục chồm lên, nghiêng phải nghiêng trái vượt qua cái nắng mùa khô rừng khộp đang rụng lá và mù mịt lối đi vì bụi; có lúc cái gạt nước mưa biến thành gạt bụi như muốn đứng lại. Xe dừng, nhiệt độ trên xe bỗng chạy lên cây kim chỉ số 43 độ. Qua khỏi cầu Sêrêpôk, chúng tôi tạm nghỉ giải lao. Dòng sông mùa này xâm xấp nước và lỏi chỏi đá, trẻ em, phụ nữ đang tắm giặt và nô đùa vui vẻ.

Cũng từ một  nhánh sông này năm xưa, một buổi trưa anh em chúng tôi đang tắm, anh Lâm chính trị viên tiểu đoàn cùng đơn vị đi chiến dịch ngang qua, chào hỏi tôi một cách thân tình. Tôi chúc anh gặp nhiều may mắn, thắng lợi. Đến chiều điện báo về, anh Lâm đã hy sinh. Vì trung đoàn lúc ấy tập trung quân cho chiến dịch truy quét, nên chỉ còn một ít quân ở lại giữ doanh trại và làm chuyên môn.

Bản thân tôi được điều đến nơi tổ chức khâm liệm cho anh. Tôi còn nhớ, trên người anh rất nhiều lỗ đạn xuyên qua. Liệm anh xong, tôi khắc tên anh trên tấm bia bằng tôn và đơn vị đưa anh về Nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai). Sau này vào sâu trong rừng thuộc vùng Đông Bắc Campuchia, địa bàn chiến dịch càng rộng hơn, nhiều đồng đội ngã xuống và chúng tôi chưa kịp đưa về qua khỏi biên giới.

Đúng vào những ngày này, bà con Khmer đang nô nức đón mừng tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây. Nhà cửa, đường sá vào làng sạch sẽ hơn. Đoàn cán bộ tỉnh Gia Lai đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 1 của Campuchia. Trung tướng Huốt Xiêng, Tư lệnh Quân khu 1, bày tỏ tình cảm thân hữu và đầy trách nhiệm với quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến tại Campuchia, bởi đó là giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử của hai dân tộc cùng đánh đuổi quân xâm lược ngoại bang.

Đến thăm một tổ của Đội K52 hiện đóng quân bên dòng sông Tônlêkông, tôi đã gặp được thiếu tá Uốt Sương, Trưởng phòng Chống khủng bố thuộc Công an tỉnh Stung Treng, một người gần 60 tuổi và nói tiếng Việt rất sõi (từng phụ trách đội công tác của bạn và cùng ở chung với K52). Ông hồi tưởng lại cuộc đời tham gia chiến đấu gian khổ cùng chiến hào với bộ đội Việt Nam: “Tôi sinh ra ở một làng huyện Pu Sát. Lớn lên đến Stung Treng sinh sống từ năm 1968. Nhiều năm gia đình tôi mang lương thực, thực phẩm tiếp tế ra rừng cho bộ đội Việt Nam. Đây là thời gian và cơ hội cho tôi làm quen, rồi học hỏi nhiều điều tốt, thật sự có ý nghĩa mà sau này tôi mới hiểu ra. Giai đoạn đánh Pôn Pốt, bản thân tôi là người dẫn đường. Sau đó, tôi làm Chủ tịch huyện Siêm Bột và được sang Việt Nam học tập về công tác quản lý nhà nước tại quận Thủ Đức, TPHCM”.

K52 còn 2 tổ nữa đứng chân tại Rattanakiri và Prết Vi Hia. Cuộc hành trình đêm ngày băng rừng, lội suối tìm hài cốt đồng đội đã đến lúc gian khổ hơn. Một hạ sĩ quan trẻ tuổi vừa mới hành quân về đêm qua, trên khuôn mặt cháy nắng còn ngái ngủ, tự bạch với tôi: “Vất vả và đi xa lắm trong rừng rồi đó anh, chúng em vẫn chưa tìm thêm được hài cốt nào nữa. Bà con ở đây rất thương và muốn giúp tụi em nhưng vì họ cũng hết biết mộ nằm ở khu vực nào rồi. Chờ mùa khô năm sau thôi…”.

LÊ BÁ TUẾ

Tin cùng chuyên mục