Làn sóng hâm mộ K-Pop có thể thấy được phần nào qua thành công của ban nhạc BTS. Năm 2020 có thể coi là bước ngoặt lớn với BTS khi single tiếng Anh đầu tiên Life Goes On của nhóm lọt vào bảng xếp hạng Billboard tốp 100. Đồng thời, danh sách đề cử giải Grammy 2021 cũng xướng tên họ ở hạng mục Trình diễn pop xuất sắc nhất với ca khúc Dynamite, bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi khác như Justin Bieber.
Grammy là sân chơi mới mẻ với BTS, nhưng 3 năm trở lại đây, các chàng trai vàng K-Pop đã càn quét giải thưởng American Music Awards. Phải chăng sự “xâm lăng” của K-Pop là xu thế tất yếu? Phó Giáo sư Candace Epps-Robertson của Đại học Bắc Corolina (Mỹ) nhận xét: “Ca từ và video clip của BTS tuy đơn giản nhưng tạo ra nền tảng cho hàng triệu fan hâm mộ đắm chìm và phát triển được giác quan đa văn hóa của các công dân toàn cầu”. Trong khi đó, GS Kathryn Lofton của Đại học Yale (Mỹ) thì mô tả sự hâm mộ với BTS như “tín ngưỡng tiêu dùng”.
Câu chuyện thành công từ BTS chỉ là bề nổi của tảng băng, trong khi phần chìm là cả nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc trị giá hàng tỷ USD. Sinh sau đẻ muộn hơn thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu, nhưng nền công nghệ giải trí xứ kim chi hiện trở thành điểm sáng trên toàn cầu. Ngoài các chuyến lưu diễn trị giá hàng trăm triệu USD, BTS và Big Hit Entertainment (BHE - công ty giải trí quản lý BTS) còn biết khai thác giá trị thương mại của chính họ và tấn công sang thị trường tài chính. Công ty BHE được định giá lên tới 10.000 tỷ won (tương đương 8,5 tỷ USD).
Khác những năm 60, 70 của thế kỷ trước (thời đại của The Beatles, The Rollingstones) với sự xâm lăng văn hóa Anh, xu hướng nghe nhạc hiện nay trở nên đa chiều và nhiều góc cạnh. Khán giả giờ đây không chỉ thưởng thức âm nhạc ở buổi trình diễn âm nhạc trực tiếp mà trên đa phương tiện, nhất là điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng. Dù BTS hủy chuyến lưu diễn toàn cầu trong năm 2020 do đại dịch, nhưng hầu bao của nhóm không vì thế bị thu hẹp.
Nhóm nhạc xứ sở kim chi vẫn duy trì biểu diễn quảng bá trên mạng xã hội và biểu diễn online. BHE tập trung mạnh vào sử dụng YouTube, các kênh mạng xã hội. Ngoài ra, công ty này còn kiểm soát được toàn bộ doanh thu đến từ nền tảng Weverse - kênh thu hút đông đảo các fan K-Pop và thể lôi kéo được các nghệ sĩ khác.
Ở góc độ khác, BTS nhanh nhạy, khôn khéo trong cách đánh bóng tên tuổi. BTS và BHE đã tài trợ 1 triệu USD cho phong trào Black Lives Matter. Ngay lập tức, làn sóng fan hâm mộ BTS ủng hộ trên mạng xã hội Twitter tăng chóng mặt. Nhóm nhạc Hàn Quốc còn hỗ trợ 1 triệu USD cho Crew Nation ủng hộ nghệ sĩ giải trí ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và chương trình chấm dứt bạo lực trẻ em.
Liệu BTS có trở thành The Beatles của thế kỷ 21? Câu trả lời vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng chắc chắn một điều rằng, BTS đã mở ra trang lịch sử cho K-Pop trên bản đồ âm nhạc toàn cầu.
Thành lập từ năm 2010, BTS gồm 7 thành viên. Ban nhạc này là át chủ bài của Công ty BHE khi đóng góp tới 87,7% doanh thu của hãng (tính trong nửa đầu năm 2020). Ban nhạc này còn biết đến với cái tên Bangtang Boys. Âm nhạc của BTS đa dạng từ hiphop, dance, R&B, pop, phù hợp với phần vũ đạo trẻ trung và lối ăn mặc thời trang. Sự nổi tiếng của nhóm không chỉ làm giàu cho các thành viên, cho công ty giải trí mà còn nuôi dưỡng cả nền kinh tế Hàn Quốc. Giá trị vốn hóa của Công ty BHE nằm trong tốp 10 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc. |