Đầu tư “săn mồi”
Một nguồn tin (yêu cầu giấu tên) tiết lộ, Rome muốn xác minh xem thương vụ bán 75% cổ phần của Alpi Aviation có thông báo cho chính phủ theo quy định được gọi là Quyền lực vàng (Golden Power) hay không.
Các nhà điều tra cho biết, một công ty có trụ sở tại đặc khu hành chính Hồng Công đã mua lại số cổ phần trên trong khi công ty này bị kiểm soát bởi một loạt công ty cổ phần. Trong đó, chủ sở hữu thực sự của Alpi Aviation là 2 công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc gồm China Corporate United Investment Holding và CRRC Capital Holding.
Đại tá Stefano Commentucci, thuộc cơ quan cảnh sát thuế Italy, cho biết, Alpi Aviation được Bộ Quốc phòng Italy đưa vào danh sách những nhà cung cấp thiết bị quân sự và do đó, công ty này nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định Quyền lực vàng.
Theo đó, với cơ chế đặc biệt có hiệu lực từ năm 2012, Chính phủ Italy có quyền kiểm tra để ngăn chặn những hồ sơ dự thầu không mong muốn từ các bên tham gia đấu thầu không thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực được coi là có tầm quan trọng chiến lược như quốc phòng, năng lượng và viễn thông. “Đây rõ ràng là một khoản đầu tư “săn mồi” nhằm vào lĩnh vực công nghệ và đầu tư vốn là lĩnh vực bị cấm”, đại tá Commentucci nói.
Ngày 2-9, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm tài chính Italy cũng đã tuyên bố điều tra 6 nhà quản lý, trong đó có 3 người Italy và 3 người Trung Quốc, do bị cáo buộc vi phạm quy định về hoạt động mua bán tài liệu quân sự cũng như trách nhiệm bảo vệ các công ty chiến lược của Rome.
Theo cảnh sát Italy, thương vụ mua bán cổ phần tại Alpi Aviation được thực hiện “một cách đặc biệt nhằm có được bí quyết công nghệ và sản xuất”, vốn có nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc thông qua hành vi chuyển hoạt động của doanh nghiệp về trung tâm công nghệ cao tại Vô Tích (tỉnh Giang Tô), gần TP Thượng Hải.
Theo một số nguồn tin, Chính phủ Italy có thể áp đặt các hình phạt, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng nhất, sẽ làm mất hiệu lực của vụ mua bán. Trong khi đó, đội ngũ luật sư đại diện cho Alpi Aviation khẳng định công ty đã tuân thủ tất cả các quy định liên quan đến hoạt động mua bán.
Ưu tiên an ninh quốc gia
Không chỉ có các khoản đầu tư vào công ty công nghệ quốc phòng, nhà địa chính trị người Italy Giorgio Cuscito còn cho biết, Bắc Kinh đang để mắt đến Sicilia của Italy bởi vị trí chiến lược của đảo này. Từ Sicilia, Mỹ và Italy giám sát các con đường giao thương, năng lượng và số hóa nối liền 2 bờ Đông và Tây của Địa Trung Hải.
Đảo này còn là nhánh cực Nam trong vùng ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu, gần với châu Phi - nơi có sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc (chủ yếu tập trung tại Djibouti). Đây cũng là nơi đặt 2 căn cứ quân sự của Mỹ. Chính vì tầm mức quan trọng của những yếu tố này, Trung Quốc đã kết nạp Italy vào Sáng kiến Vành đai và con đường năm 2019 với toan tính nhắm vào những cảng biển tại đảo Sicilia.
Theo ông Cuscito, lợi ích của Italy trong việc tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc và dòng du khách nước này đến Italy là không bàn cãi. Tuy nhiên, những ràng buộc liên quan đến yếu tố an ninh quốc gia cần phải được ưu tiên dù rất có thể sẽ gây nên những hạn chế trong việc thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh ở những lĩnh vực cảng biển và công nghệ, nhất là tại vùng đảo Sicilia chiến lược.
Công ty Alpi Aviation có trụ sở tại tỉnh Pordenone, miền Bắc Italy. Sản phẩm nổi bật của công ty này là UAV Strix, nặng 10kg, sải cánh 3m, có thể truyền video và hình ảnh hồng ngoại trong thời gian thực. Không quân Italy từng sử dụng loại UAV này ở Afghanistan. |