Ít hy vọng với các hội nghị về Ukraine

Việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gueteres, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều lãnh đạo cấp cao các nước chủ chốt không tham gia Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine (tổ chức tại Thụy Sĩ từ ngày 15-6) cho thấy có rất ít hy vọng về kết quả của hội nghị.

Nhiều nguyên thủ vắng mặt

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ, một quyết định mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả là “một món quà dành cho Nga”. Thay vào đó, Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ đại diện cho Mỹ trong sự kiện kéo dài hai ngày ở Lucerne.

Ukraine từng hy vọng ông Biden sẽ xuất hiện, dựa trên kế hoạch tham dự lễ kỷ niệm Ngày D của Pháp và cuộc gặp của các nhà lãnh đạo G7 ở Italy trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh. Nhưng ông Biden đã trở về nước tham dự một sự kiện gây quỹ tranh cử ở Hollywood.

J8e.jpg
Giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine tại thành phố Volchansk, tỉnh Kharkov, Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGE

Theo văn phòng của ông Zelensky, Ukraine đã nhận được lời hứa từ hơn 100 quốc gia sẽ tham dự hội nghị. Tuy nhiên, một số quốc gia chủ chốt, bao gồm cả Trung Quốc, đã từ chối tham dự với lý do không có đại diện từ Nga trong hội nghị thượng đỉnh.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vũ khí của Mỹ sẽ không được sử dụng để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga sau khi nhà lãnh đạo Mỹ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News, Tổng thống Biden nêu rõ Mỹ không cho phép (Ukraine) tấn công sâu 200 dặm (320km) trong lãnh thổ Nga và không cho phép tấn công vào Moscow cũng như Điện Kremlin.

Về việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Mỹ có thể phải đối mặt với “hậu quả chết người” nếu phớt lờ những tuyên bố của Moscow về việc Ukraine sử dụng vũ khí do Washington hỗ trợ. Nga cũng cảnh báo sẽ phá hủy bất kỳ vũ khí phương Tây nào được sử dụng để tấn công nước này cả ở Ukraine và lãnh thổ của các quốc gia khác.

Tái thiết Ukraine: Còn quá sớm

Ngoài hội nghị ở Thụy Sĩ, trong hai ngày 11 và 12-6 còn diễn ra hội nghị về tái thiết Ukraine tại Berlin, Đức. Chính phủ Đức đã mời 1.500 đại diện từ các nước ủng hộ Ukraine. Các đại biểu ở Berlin bị buộc phải cam kết viện trợ khẩn cấp cho Ukraine thay vì lên kế hoạch tái thiết lâu dài sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong hội nghị trù bị ở Berlin, Đại sứ Ukraine tại Đức Oleksii Makeiev đã khẩn trương yêu cầu tăng cường lực lượng phòng không từ 50 quốc gia hỗ trợ, dẫn đầu là Mỹ. Ông Makeiev tuyên bố Ukraine cần “ít nhất 7 hệ thống Patriot mới”, đồng thời cho rằng cơ sở hạ tầng của Ukraine được lực lượng phòng không phương Tây bảo vệ thành công sẽ không cần phải tái thiết. Tuy nhiên, hệ thống phòng không lại là điểm bất đồng giữa Kiev và các đồng minh phương Tây trong nhiều tháng.

Cũng về vấn đề tái thiết Ukraine, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg mới đây đã xác nhận việc từ bỏ kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ Ukraine với 108 tỷ EUR (hơn 116 tỷ USD) trong 5 năm. Người đứng đầu NATO trước đó đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này. Theo đề xuất mới, các nước đồng minh trong NATO sẽ cần chi ít nhất 40 tỷ EUR (43,2 tỷ USD) mỗi năm cho viện trợ quân sự sát thương và phi sát thương cho Ukraine. Các thành viên NATO sẽ thảo luận về đề xuất này trong khuôn khổ cuộc họp vào tuần tới tại Brussels.

Tin cùng chuyên mục