Trước mắt là đình chiến
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times của Anh, ông Falk cho biết, đề xuất của ông Biden là “một thỏa thuận mà chúng tôi đã đồng ý”, nhưng vẫn lưu ý có rất nhiều chi tiết cần được xử lý, đồng thời cho biết thêm rằng các điều kiện của Israel, trong đó có việc “trả tự do cho các con tin” vẫn không thay đổi.
Ngày 31-5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch nhằm chấm dứt chiến tranh. Kế hoạch này do Ai Cập và Qatar làm trung gian, gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel sẽ rút khỏi Dải Gaza và các con tin - bao gồm người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương - sẽ được đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Dân thường Palestine sẽ trở về Dải Gaza, trong đó có miền Bắc Gaza, và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine.
Trong giai đoạn 2, lực lượng Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Tổng thống Joe Biden khẳng định lệnh ngừng bắn “sẽ vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn”. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Dải Gaza.
Điểm mấu chốt chính là việc Israel kiên quyết sẽ chỉ thảo luận việc tạm dừng giao tranh và cam kết sẽ xóa sổ lực lượng Hamas. Trong khi đó, lực lượng Hamas tuyên bố sẽ chỉ trả tự do cho các con tin khi nào có giải pháp dẫn đến việc kết thúc vĩnh viễn chiến tranh.
Đối mặt với sức ép
Thủ tướng Israel Netanyahu một lần nữa đang cố gắng cân bằng yêu cầu của các thành viên trung dung và cực hữu trong chính phủ sau lời đe dọa từ các đồng minh cực đoan rằng sẽ làm sụp đổ liên minh nếu Israel tiến tới kế hoạch ngừng bắn nói trên. Theo Guardian, các đối tác liên minh cực hữu trong nội các của ông Netanyahu như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir đã lập tức lên tiếng phản đối kế hoạch đình chiến mới, đồng thời đe dọa sẽ từ chức nếu Israel chấp thuận đề xuất của Tổng thống Mỹ.
Ông Netanyahu cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các chỉ huy quân sự và tình báo, cũng như các thành viên ôn hòa trong nội các chiến tranh trong việc chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Phó Thủ tướng Benny Gantz tuyên bố sẽ từ chức nếu Thủ tướng không cam kết thực hiện kế hoạch ngừng bắn trước ngày 8-6. Ông Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập Israel, cũng kêu gọi ông Netanyahu đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Trong cuộc biểu tình vào cuối tuần qua ở Tel Aviv, hàng ngàn người thân của các con tin bị Hamas bắt giữ đã kêu gọi chính phủ hành động theo đề xuất mới. Một tuyên bố chung từ các nhà hòa giải ngừng bắn là Mỹ, Ai Cập và Qatar cho biết 3 nước “cùng kêu gọi cả Hamas và Israel hoàn tất thỏa thuận, hồi phục công tác cứu trợ ngay lập tức cho những người dân đang đau khổ ở Dải Gaza, cũng như các con tin và người thân của họ”.