Trước tiên, Chính phủ Israel thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng và dự kiến dành thêm 98 triệu NIS (khoảng 29,1 triệu USD) cho chương trình trợ cấp mới trong năm 2022, nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như tại các khu vực công cộng. Trong đó, khoảng 59 triệu NIS (17,5 triệu USD) sẽ được dùng để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và nguyên liệu thô trong các nhà máy. Số tiền còn lại được dùng để hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời ở đô thị, giúp tạo ra điện sạch cũng như giúp giảm hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” (đô thị có nhiệt độ cao hơn các khu vực xung quanh).
Khoảng 70 công ty nhà nước sẽ kết nối hệ thống năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng cho các tài sản và hạ tầng hiện có của mình. Đối với các dự án quy mô lớn, các quỹ phát triển đa phương sẽ “chống lưng” một phần kinh phí. Ví dụ như Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã tham gia tài trợ cho hai nhà máy nhiệt điện mặt trời ở phía Nam Israel.
Thị trường năng lượng tái tạo của Israel dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm hơn 6% trong giai đoạn dự báo 2022-2027. Chính phủ Israel đã lên kế hoạch đóng cửa các dự án nhiệt điện than và tăng công suất sản xuất năng lượng tái tạo lên 30% vào năm 2030. Cuối năm 2021, Bộ Năng lượng cũng đã công bố kế hoạch chi 100 triệu NIS (32 triệu USD) trong vòng 5 năm cho một viện quốc gia về sản xuất và lưu trữ hydro. Những điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho thị trường năng lượng tái tạo Israel trong tương lai.
Israel đã tham gia các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo như một phần nghĩa vụ giảm lượng khí thải carbon và nỗ lực tạo ra một ngành điện cạnh tranh. Trong hai thập niên qua, chính phủ đã thông qua nhiều nghị quyết để thúc đẩy năng lượng tái tạo. Từ cuối năm 2021, Israel cũng quyết định dừng tìm kiếm, thăm dò và phát triển khí đốt. Thay vào đó, Israel tập trung nỗ lực cho tương lai, cho năng lượng xanh, tối ưu hóa năng lượng và năng lượng tái tạo. Các hồ chứa khí đốt “trời cho” của Israel cho phép nước này đáp ứng nhu cầu năng lượng địa phương, thậm chí xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các nước láng giềng và hiện nay đang xuất khẩu sang châu Âu trong bối cảnh thiếu hụt khí đốt do bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo Times of Israel, để thực hiện cam kết với Liên hiệp quốc rằng 30% điện năng của họ sẽ được sản xuất bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030 (con số hiện tại chỉ là 8,5%), Bộ trưởng Năng lượng Karine Elharrar cam kết sẽ đơn giản hóa các quy định, loại bỏ các trở ngại và xóa thuế nhập khẩu đối với các công nghệ quan trọng cho việc triển khai năng lượng mặt trời và tiết kiệm năng lượng.