Khủng hoảng nghiêm trọng
Lệnh sơ tán của Israel khiến 15.000 người dân Palestine đang sinh sống tại các khu vực trên buộc phải di dời. Khan Younis, thành phố lớn thứ 2 ở Dải Gaza, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn sau những đợt tấn công trên không và trên bộ của Israel từ đầu năm nay. Đây là khu vực nhân đạo do Israel chỉ định, hiện bị quá tải do nhiều hộ gia đình từ khắp Dải Gaza chạy nạn tới đây.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) kêu gọi tạo điều kiện cho dân thường được đến các khu vực an toàn hơn và cho phép họ trở về ngay khi hoàn cảnh cho phép. Dải Gaza hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do các biện pháp của Israel và tình hình giao tranh ngăn cản khả năng tiếp cận nguồn cung cấp y tế, thực phẩm. Cơ quan y tế tại Gaza ghi nhận số người thiệt mạng đã lên tới gần 40.000.
Trong ngày 8-8, quân đội Israel không kích hàng loạt mục tiêu ở cả miền Bắc, Trung và Nam Gaza, khiến ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng. Lực lượng Hamas và đồng minh là nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) tuyên bố đã phóng rocket chống tăng và đạn cối vào quân đội Israel ở Gaza, khiến một số binh sĩ thiệt mạng và bị thương. Trong khi đó, theo The Jerusalem Post, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã cùng Cơ quan an ninh Israel (ISA) hạ sát một quan chức cấp cao của Hamas ở Dải Gaza vì bị cáo buộc có liên quan đến các cuộc tấn công ở Bờ Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo quân đội Mỹ đã điều động tiêm kích F-22 tới Trung Đông để hỗ trợ Israel. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (US Centcom) sau đó đã công bố một số bức ảnh về các tiêm kích F-22 được cho là đang có mặt ở Trung Đông.
Nỗ lực đàm phán
Ngày 9-8, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chấp nhận đề xuất của các nước trung gian gồm Mỹ, Qatar, Ai Cập về việc nối lại đàm phán ngừng bắn và sẽ cử một phái đoàn đến “địa điểm đã thống nhất để hoàn tất các chi tiết” vào ngày 15-8. Trong tuyên bố chung trước đó, Mỹ, Qatar và Ai Cập mời các bên liên quan tiến hành đối thoại tại Doha hoặc Cairo nhằm “lấp đầy những khoảng trống còn sót lại và khởi động việc thực hiện thỏa thuận ngay lập tức”.
Lực lượng Hamas chưa bình luận về thông tin này. Hai vụ ám sát lãnh đạo Hamas và Hezbollah, cùng với việc Hamas bổ nhiệm Yahya Sinwar, người được cho là chủ mưu cuộc tập kích của nhóm vào lãnh thổ Israel năm ngoái, làm dấy lên lo ngại rằng các nỗ lực hòa đàm vốn đang đình trệ sẽ còn trở nên khó khăn hơn nữa. Trước đó, tân thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas Yahya Sinwar tuyên bố không khoan nhượng trong đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Sinwar đã liên lạc với các nhà trung gian Ai Cập để truyền đạt thông điệp cứng rắn của mình, với những điều kiện như Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza và trả tự do cho các tù nhân Palestine cấp cao bị giam giữ trong một phần của thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.