Theo CNN, ông Rik Peeperkorn, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Bờ Tây và Gaza, lệnh tạm dừng giao tranh sẽ bắt đầu vào ngày 1-9 và sẽ được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn một ngày từ 6 giờ đến 15 giờ. Lệnh tạm dừng giao tranh sẽ được triển khai đầu tiên ở trung tâm Gaza, sau đó là Nam Gaza và cuối cùng là Bắc Gaza.
COGAT, cơ quan của Israel chịu trách nhiệm phê duyệt viện trợ vào Gaza từ chối cung cấp thêm thông tin về cách thức phân phối vaccine. Ông Basem Naim, một thành viên của Ban chính trị Hamas, cho biết nhóm chiến binh này hoan nghênh động thái tạm dừng giao tranh ở Gaza để triển khai chiến dịch tiêm chủng, đồng thời cam kết sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế để đảm bảo chiến dịch này thành công.
Kể từ khi nổ ra chiến tranh tại Gaza, tỷ lệ tiêm vaccine bại liệt cho toàn dân ở Gaza giảm còn hơn 80%. Trong khi theo LHQ, cần phải có hơn 90% tỷ lệ tiêm chủng để ngăn chặn dịch bùng phát ở vùng lãnh thổ Palestine này. Các quan chức WHO lo ngại thời hạn trên có thể không đủ để đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ nhưng hy vọng khi cần thiết, chiến dịch sẽ được kéo dài thêm một ngày cho mỗi khu vực, hoặc thậm chí nhiều hơn khi cần thiết.
Sự tái bùng phát của loại virus gây sốt bại liệt (đã bị loại bỏ ở hầu hết các nước phát triển) làm nổi bật những khó khăn mà 2 triệu cư dân Gaza đang phải đối mặt. Nhiều người dân trong vùng đất này bị thiếu lương thực, vật tư y tế và nước sạch; 90% dân số phải di dời khỏi nhà sau khi Israel mở chiến dịch quân sự vào tháng 10-2023.
Mục tiêu của chiến dịch của WHO là tiêm chủng ngừa bại liệt cho khoảng 640.000 trẻ em dưới 10 tuổi, mỗi trẻ được tiêm 2 liều. 1,26 triệu liều vaccine và 500 hộp vaccine đã được chuyển đến Gaza. Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và có thể gây ra tình trạng tê liệt không thể phục hồi, thậm chí tử vong. Theo WHO, bệnh này chỉ có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng.