Kêu gọi thay thế luật
Phiên họp này được tổ chức theo lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập Tzipi Livni sau khi thu thập đủ chữ ký của 25 nghị sĩ. Phát biểu tại phiên họp, bà Livni kêu gọi thay thế luật quốc gia dân tộc gây chia rẽ bằng Tuyên bố độc lập của Israel, trong đó cam kết đảm bảo bình đẳng xã hội và quyền chính trị cho toàn bộ người dân không kể tôn giáo, sắc tộc và giới tính.
Theo luật mới chỉ người Do Thái mới có quyền quyết định vận mệnh của đất nước Israel do đó phe đối lập cho rằng luật mới làm suy yếu các giá trị dân chủ của Israel. Làn sóng phản đối luật mới nổ ra tại Israel do hàng loạt tranh cãi cho rằng luật quốc gia dân tộc đã đẩy những người không thuộc gốc Do Thái xuống thành công dân hạng hai, trong đó có 1,8 triệu người gốc Palestine và các cộng đồng thiểu số khác như người Druze.
Bộ luật này còn gây ra ảnh hưởng lớn đối với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), bởi nhiều người dân tộc thiểu số đã cam kết phục vụ trong quân đội. Hàng loạt sự cố đã xảy ra xuất phát từ các binh sĩ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là từ các quân nhân Druze, trong đó có cả những sĩ quan chỉ huy cao cấp.
Để giải quyết tình hình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp với giới lãnh đạo của cộng đồng Druze, nhưng các cuộc tiếp xúc giữa hai bên vẫn không giúp xoa dịu sự bất bình của người Druze, thậm chí một số sĩ quan quân đội người Druze còn từ bỏ quân ngũ để phản đối.
Cộng đồng Druze tại Israel gồm khoảng 130.000 người, chiếm chưa đến 2% dân số Israel. Tuy nhiên, khác với các cộng đồng nói tiếng Arab khác ở Israel, người Druze bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia quân đội hoặc cảnh sát, cùng với người Do Thái.
Trước đó, để phản đối luật mới, hàng chục ngàn người Druze ở Israel và những người ủng hộ đã tập trung ở quảng trường trung tâm thành phố Tel Aviv vào tối 4-8 để cùng tham gia tuần hành phản đối. Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Druze nói tiếng Arab tổ chức biểu tình phản đối công khai với quy mô lớn.
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Luật quốc gia dân tộc ở Israel còn gây phản ứng quan ngại trong cộng đồng quốc tế. Một điều khoản khác gây tranh cãi trong đạo luật là việc khuyến khích phát triển các khu định cư người Do Thái và coi đó là vì lợi ích quốc gia của Israel. Nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực coi đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế, việc phê chuẩn dự luật này đã xóa bỏ mọi tuyên bố của Israel như là nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông.
Ngay sau khi Quốc hội Israel thông qua đạo luật, Ban Tổng thư ký Liên đoàn Arập đã họp phiên khẩn cấp tại Ai Cập và ra tuyên bố phản đối, coi đạo luật này là hết sức nguy hiểm bởi vì nó phủ định toàn bộ các quyền dân tộc của nhân dân Palestine trên các vùng đất lịch sử của họ.
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng luật này sẽ làm phức tạp nỗ lực đạt được giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini khẳng định lập trường của EU ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine và Israel.
Bà Mogherini cho biết EU sẽ tiếp tục làm việc với Israel về vấn đề này. Giải pháp 2 nhà nước được hình thành dựa trên một khung hòa bình quốc tế, theo đó thành lập Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. Các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine trong nhiều năm qua vẫn chưa ngã ngũ, trong khi Israel không ngừng mở rộng các khu định cư tại các khu vực chiếm đóng, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có EU và nhiều tổ chức quốc tế khác.