Hãng tin Euronews ngày 3-11 cho biết, quân đội Israel đã hoàn tất việc “bao vây” thành phố Gaza, đồng thời một phát ngôn viên của quân đội nước này cho biết lệnh ngừng bắn “hoàn toàn không được đặt lên bàn”. Trong khi đó, theo tờ Al Jazeera, giao tranh dọc biên giới Israel-Lebanon cũng đang gia tăng trong bối cảnh người đứng đầu lực lượng Hezbollah Hassan Nasrallah dự kiến sẽ có bài phát biểu trong ngày 3-11.
Trước đó, Reuters ngày 2-11 dẫn lời các quan chức Israel cho biết, nước này đang thảo luận với các cơ quan y tế về việc lập các bệnh viện dã chiến ở miền Nam Dải Gaza. Khu vực phía Nam Dải Gaza là nơi Israel yêu cầu người dân Palestine từ miền Bắc phải di chuyển xuống để quân đội Israel tấn công các cơ sở của Hamas. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc sơ tán bắt buộc các bệnh viện ở Dải Gaza đang đẩy mạng sống của hàng trăm bệnh nhân đứng trước rủi ro.
Thông tin trên được đưa ra vào thời điểm cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết số người thiệt mạng ở đây đã hơn 8.800 người, cùng với hơn 22.200 người bị thương. WHO kêu gọi lập 2 quỹ riêng rẽ trị giá 50 triệu USD và 10,4 triệu USD để hỗ trợ ứng phó với y tế tại Gaza và Lebanon, nơi căng thẳng với Israel đang leo thang.
Cũng ngày 2-11, Ủy ban An ninh Israel ra thông báo: “Israel đang cắt đứt mọi liên lạc với Gaza. Sẽ không còn người lao động Palestine từ Gaza. Những người lao động từ Gaza đã ở Israel vào ngày chiến tranh bùng nổ sẽ được đưa trở lại Gaza”. Theo COGAT - cơ quan quốc phòng Israel chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự của Palestine, trước khi xung đột Israel-Hamas bắt đầu, Israel đã cấp giấy phép lao động cho khoảng 18.500 người ở Gaza.