Mặc dù chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ tấn công tại đền thờ Hồi giáo Al Rawdah, thành phố Bir al-Abd, phía Bắc bán đảo Sinai, Ai Cập ngày 24-11 nhưng phần lớn các nguồn tin cho rằng dấu hiệu cuộc tấn công là từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ai Cập nói riêng và vùng cận Đông đang là tâm điểm của các cuộc tấn công từ IS sau khi chúng thất thủ tại Iraq và Syria.
Kiểu cách của IS
Số người chết ngày 25-11 đã tăng lên 305 người, trong đó có 27 trẻ em, hơn 120 người bị thương. Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập dẫn tuyên bố của tổng công tố nước này cho biết trong vụ tấn công trên, khoảng 25-30 phần tử khủng bố đã cho kích nổ các thiết bị nổ tự chế tại đền thờ Hồi giáo Rawdah trước khi nã đạn vào đám đông gồm hàng trăm người đang tham gia buổi cầu nguyện ngày thứ sáu tại đây. Ngoài ra, những kẻ tấn công đã mang theo cờ của IS khi thực hiện vụ tấn công này. Chính phủ Ai Cập tuyên bố quốc tang 3 ngày kể từ ngày 24-11.
Theo kênh tin tức Al-Arabiya và các nguồn tin địa phương, đền thờ Hồi giáo Al Rawdah nằm cách El Arish, thủ phủ của bán đảo Sinai khoảng 40km về phía Tây, thường là những người theo Hồi giáo Sufi. IS xem người Hồi giáo Sufi là những người dị giáo, căm thù người Hồi giáo Sufi như người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo Shiite. Điều trái ngoe là bán đảo Sinai là quê hương của cả những người Hồi giáo Sunni cực đoan và những người Hồi giáo Sufi. Đầu năm nay, IS ở Ai Cập đã tập trung tấn công vào nhiều người theo Thiên Chúa giáo Ai Cập và giết chết hàng chục người trong 4 vụ tấn công.
Ở những nơi khác tại Nam Á và Trung Đông, IS cũng đã tấn công người Hồi giáo Sufi và đền thờ của họ. Vào năm 2014, IS đã phá hủy một số đền thờ Hồi giáo Sufi và ngôi mộ ở tỉnh Deir Ezzor, miền Đông Ai Cập. Vào tháng 2, một tay súng đánh bom liều chết của IS tấn công một trong những đền thờ Sufi được tôn kính nhất trên thế giới mang tên Sehwan Sharif, nằm ở phía Nam tỉnh Sindh của Pakistan, giết chết 80 người và làm bị thương hơn 250 người. Pakistan có thể là quốc gia mà người Hồi giáo Sufi bị nhắm nhiều nhất. IS cũng được cho là tấn công tên lửa máy bay khách chở khách du lịch cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm El-Sheikh vào năm 2015, làm 224 người thiệt mạng.
Các nước ủng hộ Ai Cập
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Tổng Thư ký LHQ bày tỏ hy vọng những người bị thương trong vụ tấn công sớm bình phục, đồng thời nhấn mạnh cần đưa thủ phạm, những kẻ chủ mưu, các tổ chức, cá nhân bảo trợ cho các hành động khủng bố ra xét xử trước pháp luật. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 25-11 đã gửi điện chia buồn tới người đồng cấp Ai Cập Sherif Ismail. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng đã lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố. Nga, Mỹ Liên minh châu Âu và nhiều nước khác cũng đã lên án vụ tấn công và chia buồn với Chính phủ Ai Cập.
Cuộc nổi dậy mùa xuân Arab năm 2011 dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập đã gây nên tình trạng hỗn loạn chính trị, bất ổn ở nước này, và việc thả hàng ngàn tù binh Hồi giáo càng làm an ninh thêm xáo trộn. Wilayat al-Sinai là một trong hơn 12 chi nhánh của IS tại Ai Cập được thành lập theo quyết định của bộ chỉ huy IS ở Trung Đông vào năm 2014. Như những nơi khác, các nhà lãnh đạo của IS đã sử dụng một nhóm địa phương làm cơ sở cho việc mở rộng sự hiện diện của chúng ở Ai Cập. Chúng đã thiết lập một mạng lưới mạnh mẽ bất chấp những nỗ lực liên tục của Chính phủ Ai Cập. Ngoài IS, Ai Cập cũng tồn tại các nhóm địa phương trực thuộc các mạng lưới khủng bố al-Qaeda.