Theo báo cáo của Văn phòng Chống tội phạm và ma túy của LHQ (UNODC), Iraq ghi nhận hoạt động buôn bán và sử dụng ma túy tăng đột biến trong 5 năm qua. Chỉ riêng năm 2023, cơ quan chức năng đã thu giữ 24 triệu viên ma túy tổng hợp captagon, tương đương hơn 4,1 tấn, với giá bán trên thị trường chợ đen ước tính từ 84-144 triệu USD. Lượng chất cấm bị thu giữ vào năm ngoái cao hơn 34 lần so với năm 2019. “Iraq dường như là điểm kết nối của các tuyến đường buôn bán cả ma túy đá và ma túy tổng hợp trong khu vực. Nước này đang trở thành một giao điểm quan trọng trong hoạt động buôn bán hết sức phức tạp ở khu vực cận và Trung Đông”, báo cáo của UNODC có đoạn.
Cơ quan của LHQ cũng cho hay, các vụ thu giữ captagon tại Iraq tăng gấp 3 lần từ năm 2022-2023. Nhà chức trách Iraq thường công bố các vụ bắt giữ lượng lớn captagon, phần lớn được vận chuyển qua tuyến đường biên giới dài 600km với Syria. Theo UNODC, 82% lượng captagon bị thu giữ trong khu vực từ năm 2019-2023 có nguồn gốc từ Syria, tiếp theo là nước láng giềng Lebanon với 17%. Bên cạnh đó, Iraq cũng đang trở thành điểm trung chuyển của loại ma túy đá được sản xuất chủ yếu ở Afghanistan, vận chuyển đến vùng Vịnh và châu Âu. Số vụ thu giữ loại chất cấm gây nghiện cao này tại Iraq vào năm 2023 tăng gần gấp 6 lần so với năm 2019.
Iraq cũng đang đối mặt với thực trạng sử dụng ma túy gia tăng trong nước trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra. Trước sức ép từ các quốc gia vùng Vịnh, chính phủ các nước trong khu vực gần đây tăng cường nỗ lực trấn áp hoạt động buôn bán ma túy. Tại một hội nghị chống ma túy khu vực, Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani kêu gọi các nước hợp tác để trấn áp các băng nhóm buôn ma túy nhằm đảm bảo an ninh khu vực cũng như thế giới. Ông cũng tuyên bố, chính quyền nước này sẽ hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm triệt phá các trung tâm ma túy, cơ sở sản xuất và cắt đứt nguồn cung của những địa điểm này.
Bà Cristina Albertin, đại diện UNODC tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đánh giá cao nhận thức của Chính phủ Iraq và các đối tác về “phản ứng tập thể” để giải quyết các hậu quả về an ninh, xã hội và kinh tế do nạn buôn bán ma túy ở khắp vùng cận và Trung Đông.
Trong 2 năm qua, Chính phủ Iraq đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong cuộc chiến chống ma túy như tổ chức lại các cơ quan liên quan của Bộ Nội vụ; tiếp cận, phối hợp tốt hơn với các quốc gia trong khu vực; mở rộng các cơ sở điều trị người nghiện ma túy…