Ê kíp về đối ngoại của ông Raisi được cho là sẽ đi theo chủ nghĩa hiện thực kết hợp với chủ nghĩa thực dụng. Chính phủ mới của Iran sẽ ưu tiên việc tìm cách vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt hơn là dỡ bỏ chúng. Do đó, việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Raisi.
Theo Seyed Reza Mousavinia, giảng viên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Allameh Tabataba’i ở Tehran, từ việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng như các chính sách thù địch do Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ban hành đã gây tổn hại nghiêm trọng đến Iran, ông Raisi sẽ biết tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán đang tiến triển ở Vienna và kiểm soát căng thẳng với Saudi Arabia, đối thủ lớn của Iran trong khu vực. Hay nói cách khác, tân tổng thống sẽ tìm cách cân bằng quan hệ của Iran với các nước láng giềng và các cường quốc trên thế giới.
Iran đã tìm kiếm sự trợ giúp của phương Tây trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế nhưng lại chỉ nhận được những lời hứa suông và các biện pháp trừng phạt chưa từng có. Vì lẽ đó, chính phủ mới của Iran sẽ tìm cách khai thác các cơ hội giao thương với toàn cầu chứ không chỉ với phương Tây.
Ông Raisi được cho là người hết lòng ủng hộ thỏa thuận khung 25 năm với Trung Quốc. Thỏa thuận này được ký vào tháng 3-2021 nhằm vạch ra tiến trình cho mối quan hệ Iran - Trung Quốc trong 25 năm tiếp theo của thế kỷ 21. Thỏa thuận bao gồm các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực như năng lượng, hóa dầu và cơ sở hạ tầng... Vì vậy, Iran sắp tới được cho là sẽ tìm cách cải thiện mối quan hệ của nước này với khu vực Á - Âu nói chung cũng như với Trung Quốc và Nga nói riêng. Nhà phân tích chính trị Emad Abshenas dự đoán: “Ông Raisi sẽ theo đuổi chính sách mới của Iran là xoay trục sang châu Á với quyết tâm mạnh mẽ hơn trong khi vẫn tìm cách duy trì các mối quan hệ và kiểm soát căng thẳng với phương Tây”.