Iran tuyên bố tăng mức làm giàu uranium

Theo Reuters, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araghchi tuyên bố từ ngày 8-7, nước này sẽ tăng mức làm giàu uranium vượt ngưỡng 3,67% - mức giới hạn cho phép của thỏa thuận hạt nhân, để đạt 5% là mức cần thiết để vận hành nhà máy điện hạt nhân. Quyết định trên cho thấy phía Iran tiếp tục cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký vào năm 2015.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran

Vẫn để ngỏ đối thoại 

Phía Iran cũng nhấn mạnh, Tehran sẽ duy trì việc cắt giảm cam kết mỗi lần 60 ngày, trừ khi các bên tham gia thỏa thuận đưa ra các biện pháp bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Iran tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, với điều kiện các nước tham gia thỏa thuận này phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình. 

Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cảnh báo, nếu các bên tham gia thỏa thuận còn lại không tuân thủ đầy đủ cam kết thì ngày 7-7, lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ hoạt động trở lại và Iran sẽ làm giàu uranium tới mức nào muốn. Việc Iran giảm cam kết trong thỏa thuận không nhằm phá bỏ, mà chính là để bảo vệ văn kiện này. Hãng thông tấn Iran Fars cho biết kho dự trữ uranium làm giàu của nước này hiện đã vượt quá 300kg so với hạn mức trong thỏa thuận. Iran cũng cảnh báo sẽ nối lại việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nặng, có khả năng chế tạo plutonium, tại Arak, miền Trung Iran. 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đang nỗ lực tìm cách nối lại đối thoại giữa Iran và các đối tác phương Tây vào ngày 15-7 tới. Theo thông báo từ Điện Élysée, vào ngày 6-7, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Emmanuel Macron, ông Hassan Rouhani mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran là một hành động khủng bố và một cuộc chiến kinh tế về mọi mặt. Tổng thống Rouhani cũng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực hơn nữa nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) do Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức và Iran cùng ký kết. Thoả thuận quy định Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng uranium dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Dư luận phản ứng 


Sau tuyên bố của Iran, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov, khẳng định Moscow hiểu lý do đằng sau các bước đi của Iran liên quan JCPOA, nhưng kêu gọi Tehran kiềm chế hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Quan chức Nga nhấn mạnh có khả năng sẽ xác định được mức độ làm giàu uranium của Iran trong vòng vài ngày tới, đồng thời cho biết báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về mức độ làm giàu uranium của Tehran có thể được trình bày tại phiên họp đặc biệt của ban lãnh đạo cơ quan vào ngày 10-7 tới đây. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin cho rằng thông báo của Iran về việc nâng mức làm giàu uranium là một động thái nguy hiểm, đồng thời kêu gọi Pháp, Anh và Đức áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran. 

Giới quan sát cho rằng, bước đi của Iran có thể để lại hậu quả lâu dài trong thời điểm các nước châu Âu đang cố gắng kéo Washington và Tehran ra khỏi một cuộc đối đầu. Phía Pháp đang kỳ vọng rằng kênh thương mại đặc biệt với Iran (Instex) sẽ hoàn tất giao dịch đầu tiên và có giới hạn trong những ngày tới. Instex được Pháp, Anh và Đức thiết lập, là một cơ chế trao đổi thương mại nhằm tránh việc giao dịch tài chính trực tiếp bằng việc bù đắp cán cân giữa nhập khẩu và xuất khẩu của phía Liên minh châu Âu (EU). Ba nước trên đã khởi động INSTEX hồi tháng 1 năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Tin cùng chuyên mục