Ngày 8-5, Bộ Ngoại giao Iran thông báo nước này “ngừng thực hiện một số cam kết tự nguyện” trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm các nước Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga cùng với Mỹ), hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đúng 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này.
Tối hậu thư
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, nước này sẽ nối lại việc làm giàu urani nếu các cường quốc trên thế giới không giữ đúng cam kết trong khuôn khổ JCPOA và Tehran sẽ không còn bán urani được làm giàu và nước nặng cho các nước khác.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ra tối hậu thư sau 60 ngày, Iran sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo “đáp trả mạnh mẽ” nếu vấn đề hạt nhân này lại bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Mỹ trước hết phải thể hiện sự hối hận về những hành động “phạm pháp” của họ, sau đó Washington phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và ăn năn.
Theo Tổng thống Rouhani, Iran sẵn sàng thương lượng với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và xin lỗi về hành động phạm pháp của mình. Ông cho rằng, các cuộc thương lượng sẽ diễn ra sau khi tất cả sức ép được loại bỏ.
Theo Times of Israel, phát biểu trên được ông Rouhani đưa ra tại cuộc họp nội các hàng tuần, một ngày sau khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tìm cách chấm dứt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Trong khi đó cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC) nhấn mạnh, Tehran sẵn sàng ngừng việc hiện đại hóa lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak, vốn là một phần của thỏa thuận JCPOA, cũng như từ bỏ những giới hạn về làm giàu urani như là bước tiếp theo để loại bỏ thỏa thuận này nếu các bên tham gia JCPOA không đảm bảo được những lợi ích của Iran.
Phản ứng của các nước
Các biện pháp đáp trả này sẽ tương ứng với hai phần trong kế hoạch, vốn sẽ mở đường cho Iran chấm dứt một phần hoặc toàn bộ các cam kết của mình trong JCPOA, nếu Mỹ và các bên khác thất bại trong việc tuân thủ thỏa thuận. Theo ISNA, đây sẽ là bước đi đầu tiên của Iran hướng tới đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng như sự thất bại của các quốc gia châu Âu trong việc thực thi các cam kết.
Ngày 8-5, nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng sau thông báo trên của Iran. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015, song cảnh báo nếu Iran không tuân thủ các cam kết của mình thì vấn đề khởi động một cơ chế trừng phạt sẽ được đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran phải được duy trì, đồng thời kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế, đẩy mạnh đối thoại và tránh làm leo thang căng thẳng. Hạ viện Nga đã hoan nghênh việc Iran sẵn sàng đàm phán với châu Âu, song cho rằng Mỹ cũng nên thể hiện sự cởi mở về đối thoại.
Đức bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Iran ngừng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ JCPOA, đồng thời kêu gọi Tehran không tiến hành bất kỳ bước đi gây hấn nào.
Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh Mark Field đánh giá việc Tehran ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân là “bước đi không được hoan nghênh” và sẽ dẫn tới các biện pháp trừng phạt mới của các nước phương Tây.
Ông Field kêu gọi Iran không tiến hành thêm những bước đi làm leo thang căng thẳng, đồng thời tuân thủ những cam kết của mình.
Trên trang Twitter ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ đưa ra quyết định về tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran trong ngày 8-5 (giờ Mỹ), khoảng 2 giờ sáng 9-5 (giờ Việt Nam).