Một trang mới
Iran và Saudi Arabia đã tỏ ra lạnh nhạt với nhau từ khi hai bên cắt quan hệ ngoại giao vào tháng 1-2016 sau những bất đồng về các vấn đề Syria, Yemen cũng như về tình hình ở Bahrain hay ở Lebanon. Trong khi đó, chính quyền Riyad cũng lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran.
Trong thông cáo chung, Iran và Saudi Arabia nhiệt liệt cảm ơn Trung Quốc đóng vai trò hòa giải, nhưng không quên rằng tiến trình này đã được khởi động dưới sự bảo trợ của Iraq và Oman từ năm 2021 - 2022.
Theo đó, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở lại cơ quan ngoại giao ở mỗi nước sau nhiều năm thù địch gây đe dọa sự ổn định và an ninh ở vùng Vịnh, thậm chí châm ngòi xung đột ở Trung Đông từ Yemen tới Syria. Hai bên đồng ý cho mở lại đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao trong thời hạn tối đa là 2 tháng nữa. Hiệp định khẳng định “tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia”.
Nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng Thư ký Hội đồng an ninh Iran Ali Shamkhani (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabi Musaad bin Mohammed Al Aiban, tại Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 10-3-2023). Ảnh: REUTERS |
Ngoại trưởng Iran và Saudi Arabia sẽ gặp lại nhau trong những ngày tới để cụ thể hóa các bước tiếp theo, như sắp xếp việc trao đổi đại sứ và thảo luận về biện pháp tăng cường quan hệ song phương. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ khởi động hiệp định hợp tác an ninh ký 2001 và hiệp định chung về hợp tác trong các lĩnh vực ký năm 1998.
Trật tự toàn cầu đang thay đổi
Nhiều nước và tổ chức đã bày tỏ ủng hộ việc Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ ngoại giao sau các cuộc đàm phán gần đây ở Trung Quốc. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Stephane Dujarric, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jassem Mohamed Albudaiwi, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hussain Ibrahim Taha… bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ góp phần củng cố các trụ cột của hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời tạo động lực mới cho hợp tác giữa các quốc gia thành viên OIC.
Trong tuyên bố hoan nghênh, Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh Saudi Arabia và Iran đều là trung tâm của an ninh khu vực, vì vậy việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, vốn bị gián đoạn từ 2016, có thể góp phần ổn định toàn bộ khu vực. EU sẵn sàng tham gia tất cả chủ thể trong khu vực theo cách tiếp cận dần dần, toàn diện và hoàn toàn minh bạch với ưu tiên thúc đẩy hòa bình và ổn định cũng như giảm căng thẳng ở Trung Đông.
Theo một số nhà quan sát, thỏa thuận Tehran vừa đạt được với Riyad tại Bắc Kinh cho phép Iran củng cố vị thế tại Syria và Yemen. Ngoài ra, bình thường hóa quan hệ với Riyad nhờ trung gian của Bắc Kinh cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran ngày càng tăng trong bối cảnh Mỹ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu chế độ cầm quyền tại Tehran.
Việc hai nước Hồi giáo thù nghịch ở Trung Đông là Iran và Saudi Arabia, một theo hệ phái Shia (Iran) và một theo hệ phái Sunni (Saudi Arabia), thông báo nối lại bang giao là một thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Trung Quốc, cho dù tiến trình hòa giải đã được khởi động từ 2021 tại Iraq. Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia đã được các nhà phân tích coi là dấu hiệu rộng lớn hơn về một “trật tự toàn cầu đang thay đổi”.