Đấu khẩu qua lại
Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã “chất vấn” người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo về ý nghĩa thực sự của cụm từ “tống tiền” mà ông Pompeo đã sử dụng để mô tả về các động thái của Iran. Theo ông Zarif, chính Mỹ là bên đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân, áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nhằm buộc Tehran phải tuân thủ theo các điều kiện của Washington. Mỹ mới chính là nước có hành vi tống tiền Iran. Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã kêu gọi Anh, Pháp và Đức ngăn chặn hành vi “tống tiền” hạt nhân của Iran sau khi Tehran tiếp tục giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) mà nước này ký với các cường quốc thế giới hồi năm 2015.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Dakar Salehi ngày 8-9 đã lên án các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 đã không thực hiện những cam kết của họ theo hiệp ước và cho biết, đó là một trong nhiều lý do để Iran sẽ hành động bằng cách giảm dần những cam kết.
Trước đó 1 ngày, Iran tuyên bố đủ năng lực để nâng mức làm giàu uranium vượt ngưỡng 20%. Người phát ngôn Cơ quan Hạt nhân Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, các máy ly tâm IR-6 đã được nạp đầy khí uranium, một chuỗi gồm 20 máy ly tâm IR-4 và IR-6 cũng đã được khởi động từ ngày 6-9. Ngoài ra, Iran sẽ sớm thử nghiệm 3 máy ly tâm IR-8. Về lý thuyết, các máy ly tâm tiên tiến có thể làm giàu uranium với tốc độ nhanh hơn nhiều. Ông Kamalvandi cũng cho biết thêm rằng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hiệp quốc đã được thông báo về các bước đi trên. Làm giàu uranium ở cấp độ 20% được xem là một bước trung gian quan trọng trong việc thu được uranium tinh khiết ở cấp độ 90%, vốn cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.
Không dễ đạt thỏa thuận tín dụng
JCPOA được 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) cùng với Đức thông qua năm 2015, với mục tiêu không cho phép Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, trong thời hạn 10 năm, đặt các cơ sở nguyên tử của quốc gia này dưới sự giám sát quốc tế. Đổi lại, các trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Iran lần lượt được dỡ bỏ. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, Iran quyết định từ ngày 7-7, nâng mức làm giàu uranium với tỷ lệ trên 3,67%, vượt quá giới hạn cho phép theo JCPOA.
Theo giới quan sát, lý do trực tiếp khiến Iran quyết định rút dần khỏi JCPOA là do những khó khăn của nền kinh tế Iran sau khi Mỹ áp đặt lại lệnh trừng phạt. Theo thẩm định của một số cơ quan kinh tế, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp kinh tế Iran tăng trưởng âm.
Ngân hàng Thế giới dự đoán, kinh tế Iran sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng tới. GDP Iran dự kiến sụt giảm khoảng 3,6% năm nay, thất nghiệp có thể lên tới 15% vào năm 2020... Lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm đúng vào yết hầu của nền kinh tế Iran - ngành xuất khẩu dầu mỏ, chiếm khoảng 80% thu nhập của Tehran. Vì vậy, các nước châu Âu mới đây để ngỏ khả năng cấp tín dụng 15 tỷ USD (được đảm bảo bằng nguồn thu từ dầu mỏ của Iran), đổi lại Iran trở lại tuân thủ các cam kết trong JCPOA, được xem là “phao cứu sinh” đối với Tehran.
Tuy nhiên, thỏa thuận cấp tín dụng không dễ dàng đạt được. Một thỏa thuận như vậy chỉ có thể thực hiện với sự hưởng ứng từ phía Washington, cụ thể với việc Mỹ nới lỏng một số hạn chế. Cho đến nay, theo một số nguồn tin từ truyền thông Iran, Pháp chưa thuyết phục được Washington chấp nhận một sáng kiến như vậy. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố các nước châu Âu chỉ có thêm 60 ngày để hoàn tất thỏa thuận tín dụng.