Iran - EU tìm giải pháp cho thỏa thuận hạt nhân

Tối 15-5 theo giờ địa phương, Hội nghị của Ngoại trưởng thuộc nhóm E-3 ( gồm 3 nước thuộc Liên minh châu Âu là Đức, Pháp, Anh) và Ngoại trưởng Iran dự kiến diễn ra tại Brussels. Hội nghị tập trung vào kế hoạch tìm giải pháp cho thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ - bên ký kết chính, đã rút khỏi thỏa thuận.
Một cơ sở hạt nhân tại Iran
Một cơ sở hạt nhân tại Iran

Nỗ lực vận động ngoại giao 

Trước thềm diễn ra hội nghị, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tiến hành trao đổi với Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề đối ngoại và an ninh Federica Mogherini. EU vẫn luôn là bên ký kết muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được hồi năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung (JCPOA). Với EU, thỏa thuận không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích châu Âu tại Iran, mà còn đóng vai trò then chốt để hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Việc Đức, Anh và Pháp ủng hộ duy trì JCPOA khiến Iran tạm thời chưa xé bỏ thỏa thuận. Anh, Đức và Pháp đã có hàng loạt các hoạt động ngoại giao con thoi để chứng minh cho quyết tâm của mình. Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Pháp đã có chuyến thăm London và thảo luận song phương với Ngoại trưởng Anh về vấn đề này. Trước cuộc gặp  diễn ra tại Brussels, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết sẽ thảo luận với những người đồng cấp châu Âu về những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh cũng như các doanh nghiệp châu Âu có thể tiếp túc làm ăn với Iran. 

Sau quyết định của Mỹ, Ngoại trưởng Iran đã thực hiện chuyến công du vận động ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ duy trì JCPOA. Chặng dừng chân đầu tiên của ông Javad Zarif là Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, ông Javad đã nhận được sự đảm bảo duy trì quan hệ kinh tế và thương mại  từ lãnh đạo Trung Quốc Trong khi Mỹ đang thúc giục các công ty nước ngoài giảm hoạt động thương mại tại Iran thì Trung Quốc hành động ngược lại. Tuyến đường sắt mới nối liền giữa vùng Bayannur thuộc khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc và Iran được cho là một thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi tới Tổng thống Donald Trump. Theo Washington Post, đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ thương mại với Tehran. Nhiều khả năng Trung Quốc muốn đóng vai trò trung gian cho những doanh nghiệp châu Âu muốn tiếp tục giao dịch với Iran nhưng lo sợ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Ở chặng dừng chân thứ 2 tại Nga, ông Javad Zarif cũng nhận được sự ủng hộ từ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov cho rằng, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran đang  được duy trì trong JCPOA và các bên cần hợp tác để giữ vững lợi ích. 

Mỹ duy trì quan điểm cứng rắn 

Trong kế hoạch duy trì JCPOA hiện nay, Iran đã nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, Nga và EU. Tuy đây là một tín hiệu tích cực, nhưng việc Mỹ đứng bên lề thỏa thuận được cảnh báo sẽ khiến việc duy trì JCPOA sẽ thêm phần khó khăn. Câu hỏi được đặt ra là châu Âu sẽ bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp như thế nào khi mà từ trước đến nay Mỹ vẫn được xem là “người cầm trịch trong các luật chơi quốc tế”, đặc biệt là trong vấn đề Iran. 

Theo giới quan sát, rất ít có khả năng, châu Âu sẽ có những biện pháp cứng rắn để đi ngược lại với những lợi ích của đồng minh Mỹ. Thay vào đó, châu Âu sẽ phải thỏa thuận được với Mỹ về việc miễn trừ doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với Iran khỏi các biện pháp trừng phạt. Châu Âu được cho là vẫn đang chạy nước rút để thảo luận với Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong những cuộc thảo luận gần đây với Ngoại trưởng Anh, Ngoại trưởng Pháp và Ngoại trưởng Đức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập đến khía cạnh phối hợp với các đồng minh, nhưng vẫn nhấn mạnh đến lợi ích lớn trong việc ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân và ngăn chặn các hành động gây bất ổn trong khu vực. Trong khi đó, cố vấn an ninh mới của Tổng thống Donald Trump John Bolton vẫn nhắc nhở châu Âu rằng, doanh nghiệp của họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu tiếp tục làm ăn với Iran. Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ông Valiollah Seif, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Iran cùng 2 cá nhân và Ngân hàng Hồi giáo Al-Bilad có trụ sở tại Iraq.

Tin cùng chuyên mục