Trước thềm khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani nhấn mạnh, diễn ra trong bối cảnh thế giới gặp nhiều biến động, IPU lần thứ 144 là cơ hội để nghị viện các nước thảo luận về các vấn đề quan tâm của cộng đồng toàn cầu như an ninh và hòa bình. Bên cạnh đó, sự kiện cũng sẽ khuyến khích nghị viện các nước đề xuất giải pháp để giải quyết các thách thức.
Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác liên nghị viện thuộc Hạ viện Indonesia Putu Supadma Rudana cho biết, IPU lần thứ 144 (diễn ra từ ngày 20 đến 24-3) và các cuộc họp liên quan sẽ thảo luận về căng thẳng Nga-Ukraine dù đại diện hai nước này chưa đăng ký tham dự, bởi đây là vấn đề nhân đạo. Chủ tịch IPU Duarte Pacheco đã hối thúc Nga và Ukraine ngừng bắn, tiến hành đối thoại và giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao. Ngoài ra, IPU lần thứ 144 cũng sẽ thảo luận về vấn đề bình đẳng giới và vai trò của thanh niên trong chính trị. IPU lần thứ 144 cũng sẽ xem xét các hành động cần thiết của nghị viện nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của các nhà hoạt động khí hậu và đại diện các quốc gia đang ở tuyến đầu chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới. Hiện IPU quy tụ 178 quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn.
Đây là lần đầu tiên Indonesia đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU. Năm nay, IPU có sự tham dự của các đại biểu đến từ 132 quốc gia, trong đó có 33 chủ tịch và 35 phó chủ tịch quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn sẽ tham dự các phiên họp toàn thể, hội thảo, thảo luận, cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ IPU lần thứ 144.