Đặt người dân lên trên hết
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông João Lourenço, Tổng thống Angola, đánh giá cao vai trò của IPU. Angola hoan nghênh sự kiện này như một cách góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu về hòa bình, công bằng xã hội và thúc đẩy trao đổi giữa người dân và các quốc gia. Liên minh Nghị viện sẽ “tạo thành một cơ chế quan trọng để can thiệp và vận động về các vấn đề chính được quan tâm toàn cầu, thông qua việc thực hiện ngoại giao nghị viện trong hệ thống Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên”.
Hơn 1.000 nghị sĩ từ khắp thế giới tham dự, trong đó có cả phái đoàn từ các quốc gia đang có xung đột. Với thông điệp chủ đề lần này, Tổng thống Angola nhấn mạnh từ Luanda, người dân toàn cầu “sẽ nghe thấy tiếng nói của các nghị sĩ trên thế giới kêu gọi chấm dứt xung đột ở Sudan, Ukraine và Trung Đông”. Điều cấp bách là phải im tiếng súng và nhường chỗ cho ngoại giao, để mạng sống của thường dân, trẻ em, phụ nữ và người già có thể được cứu và tránh được thảm họa nhân đạo.
Theo truyền thông Thụy Sĩ, các vấn đề thời sự sẽ được đưa vào chương trình nghị sự như cuộc xung đột ở Gaza, trẻ em phải được di dời do xung đột ở Ukraine, Hiệp định đại dịch toàn cầu…
Sức khỏe toàn cầu
IPU 147 dự kiến thông qua các nghị quyết về hạng mục khẩn cấp và hạng mục chủ đề được Ủy ban Thường vụ về dân chủ và nhân quyền đưa ra với tựa đề “Buôn bán trẻ mồ côi: Vai trò của nghị viện trong việc giảm thiểu tác hại”. Là một nền tảng quan trọng cho hoạt động của nghị viện, Hội đồng IPU mang đến cơ hội vô giá để thúc đẩy hợp tác và định hình các chính sách y tế toàn cầu.
Tại hội nghị năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng sẽ tổ chức 2 sự kiện chính tập trung vào 2 ưu tiên chính có ý nghĩa to lớn đối với tương lai của sức khỏe toàn cầu.
Thứ nhất là hội thảo “Giải mã sự phát triển của Hiệp định đại dịch” (diễn ra ngày 26-10). Mục tiêu của hội thảo này là cung cấp sự hiểu biết toàn diện về các yếu tố, phạm vi, tác động tiềm ẩn và lợi ích chính của Hiệp định đại dịch đang được đàm phán, mà theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, hiệp định về đại dịch sẽ là thỏa thuận lịch sử, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận đối với an ninh y tế toàn cầu sau Covid-19.
Ưu tiên thứ hai là giới thiệu “Chiến lược sắp tới của WHO và nguồn tài chính tổ chức”. Trong sự kiện này, WHO sẽ trình bày tổng quan về Chương trình làm việc chung lần thứ 14 và nguồn tài chính liên quan. Những người tham dự sẽ có được những hiểu biết có giá trị về cách đầu tư vào y tế có thể mở đường cho một thế giới an toàn, kiên cường hơn và toàn diện hơn, như đã hình dung trong Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).