Đây là báo cáo đầu tiên của iPOS.vn, với mục tiêu hướng tới phát hành thường niên trong các năm kế tiếp. Báo cáo gồm 4 phần chính: giới thiệu tổng quan về thị trường F&B năm 2022, bao gồm đánh giá về tỉ lệ tăng trưởng số lượng nhà hàng/café, doanh thu của toàn ngành; phân tích đánh giá, nhận định về tình hình thị trường năm 2022, với kết quả khảo sát của gần 3.000 nhà hàng/café và gần 4.000 thực khách trên toàn quốc; dự báo thị trường F&B trong ngắn và dài hạn; đánh giá xu hướng nổi bật sẽ xuất hiện trong năm 2023. Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP iPOS.vn chia sẻ: “Trong năm 2022, nhiều DN đã có những thay đổi lớn về mặt tư duy kinh doanh, tối ưu hệ thống vận hành và tăng cường trải nghiệm cho thực khách. Thị trường F&B cũng dần hồi phục, và có chuyển biến vô cùng tích cực. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi hợp tác cùng các tổ chức và chuyên gia có uy tín, để xây dựng báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022”.
Theo dự báo, năm 2023 khả năng trở thành cuộc chiến giành thị phần giữa các chuỗi lớn, khi các chủ đầu tư nhỏ lẻ thận trọng. Thị trường sẽ đón nhận nhiều biến số thú vị, vì còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi mới đang tạo nên nhiều tiếng vang, như Phê La, Katinat Saigon Kafe… Một số mô hình kinh doanh ẩm thực sẽ có phần chững lại sau năm 2023. Bán hàng trực tuyến sẽ chỉ phù hợp để khai thác trong thời gian thấp điểm, chứ không còn là hướng đi an toàn cho mô hình kinh doanh thuần trực tuyến như trước.