Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết, chuyển đổi số là cơ hội lịch sử, là chiến lược quốc gia, là động lực mới của phát triển đất nước, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà nền tảng là sáng tạo số.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức cao (trên 60%), cao hơn mức trung bình toàn cầu (57,6%). Quy mô nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tuyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD, con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội lớn mà internet đã và đang mang lại cho sự phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, hạ tầng internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng internet và dân số. Việt Nam chỉ có 5 tuyến cáp quang biển, số lượng và quy mô các trung tâm dữ liệu còn rất khiêm tốn so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Điện toán đám mây Việt Nam về cơ bản là bán lại dịch vụ cho các nền tảng nước ngoài, hệ sinh thái kết nối internet còn nhỏ bé và đơn giản so với các nước tiên tiến trong ASEAN…
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT-TT đã sớm xây dựng các hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, chương trình tạo động lực cho đổi mới và phát triển. Luật Viễn thông (sửa đổi) hiện đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây; đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông.
Quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông đã được Bộ TT-TT trình Chính phủ và dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2023; đặt ra tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển cụ thể cho viễn thông và internet đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ TT-TT cũng đang xây dựng và sớm ban hành chiến lược, kế hoạch phát triển cáp quang quốc tế Việt Nam, đảm bảo hạ tầng số Việt Nam phát triển an toàn, bền vững.