Phát ngôn viên cảnh sát Trunoyudo Wisnu Andiko cho biết, ít nhất 17 người đã bị bắt vì bán và phân phối rượu lậu, trong đó một nghi phạm đã chết ở bệnh viện vì chính ông ta cũng uống rượu lậu.
Đến ngày 13-4, ít nhất 51 người ở Tây Java và 31 người ở Jakarta đã chết vì rượu lậu từ cuối tháng 3.
Khoảng 160 người đang nằm viện, gồm nhiều người trong tình trạng nguy kịch.
Xét nghiệm cho thấy các nạn nhân uống rượu lậu đều có nồng độ cao methanol độc hại.
Một số nghi phạm khai đã pha cồn nguyên chất vào Coca-Cola, nước tăng lực, thuốc ho và cả thuốc chống muỗi để chế rượu lậu.
Loạt tử vong do rượu lậu bắt đầu ở Bandung, thành phố lớn phía Đông Jakarta. Và ngày 10-4, các khu vực lân cận đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Thuế cao đánh vào rượu đắt tiền tại Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới. Tuy nhiên, người lao động thu nhập thấp thường mua rượu lậu và tự pha chế có giá rẻ, được bán rong trên đường phố.
Mặc dù vậy, cảnh sát cho biết có những nhà phân phối lớn đằng sau vụ rượu độc gây hàng loạt cái chết vừa qua.
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Setyo Wasisto cho biết những người bị cáo buộc cung cấp đồ uống mà họ biết là nguy hiểm có thể lãnh án tới tử hình.
Tướng Syafruddin, Phó Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia tuyên bố, cảnh sát sẽ tiến hành chiến dịch chống rượu lậu trên khắp nước để chấm dứt lập tức việc phân phối các sản phẩm độc hại, The Jakarta Post cho biết.