2 ngày sau khi sóng thần tấn công khu vực ven biển quanh eo biển Sunda giữa các đảo Sumatra và Java, Nugroho cho biết trong loạt Twitter ngày 24-12 rằng: "Phá hoại, thiếu kinh phí, lỗi kỹ thuật đã làm hiện tại không có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần".
"Việc thiếu hệ thống này đã khiến không phát hiện sớm sóng thần", ông nói.
Nugroho nói thêm rằng Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần có thể phát hiện lở đất và phun trào núi lửa dưới đáy biển.
Hiện tại, Indonesia chỉ có một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần được kích hoạt do động đất, được thiết lập lần đầu tiên năm 2008, vài năm sau trận động đất 9,3 độ Richter dưới đáy Ấn Độ Dương gây sóng thần tấn công Banda Aceh trong 15 phút.
Nugroho cho biết: "127 ngọn núi lửa, tức 13% số núi lửa thế giới, nằm ở Indonesia. Một số núi lửa nằm dưới đáy biển và ở những hòn đảo nhỏ mà khi phun trào có thể gây sóng thần".
Ông nói điều đó là một thách thức cho các cơ quan chính phủ cũng như các viện nghiên cứu cấp cao để phát triển các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần.
Các thảm họa thiên nhiên khác, gồm lở đất, phun trào núi lửa, cháy rừng, thời tiết khô và lốc xoáy cũng cần có các hệ thống cảnh báo sớm để "chuyển thông tin đến công chúng trước khi xảy ra thảm họa", Nugroho nói thêm.