Batik đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2009. Trong những sự kiện, lễ hội ở cấp quốc gia hay khu vực, Batik thường được Indonesia xem là sản phẩm chủ lực thu hút du khách trong và ngoài nước. Thuật ngữ “ngoại giao Batik” được hình thành, mô tả việc giới chức Indonesia thường đưa khách quốc tế tới thăm các cơ sở sản xuất vải Batik.
Được lưu truyền trong các gia đình qua nhiều thế hệ, nghề làm vải Batik gắn liền với bản sắc văn hóa, triết lý sống của người Indonesia. Ý nghĩa biểu tượng của màu sắc, hoa văn, kiểu dáng trang phục từ vải Batik thể hiện sự sáng tạo và đời sống tâm hồn phong phú của người dân xứ vạn đảo. Cách người dân Indonesia yêu quý, trân trọng, tự hào và tích cực quảng bá Batik với thế giới cũng gợi mở nhiều bài học trong việc gìn giữ những di sản văn hóa quý giá của nhân loại.
Nghề sản xuất vải Batik được tôn vinh thành một loại hình nghệ thuật. Để hoàn thiện mỗi tấm vải Batik truyền thống, cần trải qua hàng chục công đoạn, với sự phối hợp của nhiều người. Đầu tiên, nghệ nhân phác họa hoa văn trên tấm vải trơn bằng bút chì, sau đó dùng dụng cụ có một đầu như ngòi bút, bên trên có gắn một cái phễu nhỏ để phủ sáp ong nóng chảy theo các đường đã phác thảo.
Với những hoa văn nhiều chi tiết phức tạp, công đoạn vẽ có thể hàng tuần, thậm chí cả năm, trước khi tấm vải được đem nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên. Nước nóng làm sáp tan ra, do đó phần vải được phủ sáp vẫn giữ được màu trắng, trong khi các phần không được phủ sáp nhuốm màu, tạo nên hoa văn.
Bảo tàng Batik tại Taman Mini Indonesia Indah một lần nữa mang Batik đến gần hơn với người dân và khách du lịch. Đây không chỉ là nơi trưng bày các bộ sưu tập mà còn chứa đựng các câu chuyện về Batik thông qua các phòng triển lãm mở với 7 phòng trưng bày đậm nét truyền thống, không gian mở giúp khách tham quan có nhiều trải nghiệm đa dạng.
Bảo tàng Batik tại Taman Mini Indonesia Indah, Jakarta, Indonesia |
Phòng đầu tiên giới thiệu tổng quan về Batik và những bước đi đầu tiên để thành lập bảo tàng ở Jakarta. Trong phòng có bản sao giấy chứng nhận Batik là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của UNESCO.
Phòng thứ 2 có chủ đề về kho báu Batik của Indonesia, trưng bày nhiều bộ sưu tập Batik khác nhau đại diện cho các khu vực sản xuất Batik và sự phát triển của Batik hòa nhập với văn hóa nước ngoài.
Phòng thứ 3 trưng bày kỹ thuật làm Batik. Đây là một trong những phòng được khách tham quan đặc biệt chú ý bởi nó phác thảo đầy đủ về kỹ thuật dệt vải độc đáo này.
Phòng thứ 4 giới thiệu các mặt hàng thời trang và phụ kiện làm từ vải Batik, như quần áo, băng đô, dây đeo và khăn quàng cổ. Các phòng tiếp theo giới thiệu một số nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển Batik ở Indonesia.
Nuôi dưỡng và phát triển tình yêu như người dân Jakarta nói riêng, Indonesia nói chung với Batik là một cách để gìn giữ, bảo tồn những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống trong thời hiện đại. Không chỉ vì Batik là di sản văn hóa, mà hơn hết đó là cuộc sống, là niềm tự hào của mỗi con người Indonesia.