Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 lượng dầu thực vật xuất khẩu toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, nằm trong số những khách hàng hàng đầu của Indonesia. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến cho thương mại nông sản toàn cầu bị đình trệ, Indonesia đã quyết định cấm xuất khẩu dầu ăn do tình trạng thiếu hụt cục bộ và giá cả tăng cao.
Hãng tin Bloomberg từng nhận định, quyết định ngưng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong bối cảnh lạm phát cao, thời tiết khắc nghiệt và nguồn cung khan hiếm đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực và góp phần trở thành một trong những nguyên nhân làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ lương thực trên khắp thế giới. Trong bối cảnh dầu hướng dương từ nhà xuất khẩu hàng đầu Ukraine bị cấm xuất khẩu và gần như ngừng vận chuyển do cuộc xung đột với Nga, nguồn cung dầu ăn của Indonesia cho thế giới được xem là “không thể thay thế”.
Tuy nhiên, kể từ khi Indonesia chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, giá dầu cọ chuẩn của Malaysia hồi tháng 5 đã giảm 43%. Quyết định hủy bỏ thuế xuất khẩu vào ngày 16-7 của Indonesia có thể khiến giá mặt hàng này tiếp tục giảm sau khi đã giảm khoảng 50% kể từ mức đỉnh cuối tháng 4 năm nay, xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua, là 783,16 USD/tấn vào ngày 14-7. Thị trường dự đoán nguồn cung từ Indonesia sẽ tăng lên sau khi nước này duy trì bỏ thuế xuất khẩu đối với tất cả sản phẩm dầu cọ trong một tháng rưỡi, đến ngày 31-8 tới.
Hiện dầu cọ thô ở Ấn Độ đang được chào ở mức 1.062 USD/tấn bao gồm chi phí, bảo hiểm và cước phí (CIF) cho các lô hàng trong tháng 8, so với mức 1.550 USD đối với dầu hướng dương. Ấn Độ, nước mua dầu cọ lớn nhất thế giới, dự kiến có thể nhập khẩu lên tới khoảng 2 triệu tấn dầu cọ trong quý III. Theo The Nation, nước này đã nhập khẩu 1,68 triệu tấn trong quý II. Tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu dầu thực vật đã giảm trong vài tháng trước đó do các hạn chế được áp dụng nhằm kiềm tỏa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang khẩn trương nhập khẩu nhiều dầu cọ hơn để đáp ứng nhu cầu. Theo số liệu từ Hội đồng Dầu cọ Malaysia, nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia trong tháng 6 của Trung Quốc đã tăng từ 85.123 tấn lên 96.495 tấn. Một đại lý dầu cọ chính có trụ sở tại Karachi (Pakistan) cho biết, các nhà máy lọc dầu có trụ sở chính của Indonesia đặt tại thành phố này có thể giảm sản lượng xuống dưới 5 triệu tấn do nhu cầu từ tất cả các địa điểm khác đều có.
Đây là nỗ lực mới nhất của Indonesia nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm lượng hàng tồn kho đang trở nên quá tải. Sau khủng hoảng thiếu là khủng hoảng thừa. Số liệu của Chính phủ Indonesia cho thấy, xuất khẩu dầu cọ đã tăng trong tháng 6, lên 1,76 triệu tấn, nhưng hợp đồng tương lai tuần này lại giảm 14%. Việc tạm miễn thuế xuất khẩu tất cả sản phẩm dầu cọ nói trên nhằm hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhưng sẽ không ảnh hưởng mấy đến nguồn thu của chính phủ, nếu so với lệnh cấm trước đây khiến cho mỗi tháng nước này hụt thu khoảng 3 tỷ USD từ dầu cọ, chưa kể đồng nội tệ bị ảnh hưởng.