Inbound marketing là gì?
Các chiến dịch marketing truyền thống của các thương hiệu tiêu dùng lớn trước đây là đưa hình ảnh sản phẩm "ám thị" vào đầu óc của người dùng. Nghĩa là nếu bạn nghĩ về nước ngọt, bạn sẽ nghĩ đến Coca Cola, nếu nghĩ đến xe máy sẽ nghĩ đến Honda. Kết quả là các nhãn hàng này thi nhau đổ tiền cho quảng cáo, cạnh tranh nhau để nhồi nhét thương hiệu vào tâm trí người dùng... Phương pháp đó gọi là Outbound marketing.
Vào năm 2004, khi xu hướng blogger nở rộ và manh nha xuất hiện các mạng xã hội lớn, một blogger kiêm sinh viên cao học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tên là Dharmesh Shah nhận ra rằng người dùng dần "miễn dịch" với các quảng cáo và việc thực hiện Outbound marketing theo hướng truyền thống đem lại chi phí quá lớn so với hiệu quả mà nó mang lại. Đồng thời, anh chứng minh được hiệu quả của Inbound marketing khi không hề có ngân sách cho việc quảng cáo lại có thể nhận được lượng truy cập lớn và sự quan tâm, thậm chí còn nhiều hơn các công ty sở hữu những đội ngũ marketing chuyên nghiệp và ngân sách khổng lồ dành cho việc quảng cáo, thông qua blog của mình.
Vậy là Dharmesh Shah đã cùng Brian Halligan - một chuyên gia và giảng viên cao cấp về marketing tại MIT cùng nhau hệ thống và đưa ra triết lý Inbound Marketing. Họ lập luận rằng: thay vì một “chiếc loa”, Inbound marketing là một thỏi nam châm hút khách hàng về phía mình bằng những nội dung mà người dùng quan tâm và thích thú, từ đó thu hút xây dựng niềm tin ở khách hàng.
Nội dung chính là “vua”
Nội dung chính là toàn bộ nguyên liệu, chất đốt để làm nổ động cơ Inbound marketing. Bởi chiến lược Inbound marketing có 2 vấn đề cần giải quyết: Làm sao để nội dung thu hút và làm sao để tối ưu hóa việc người dùng tiếp cận nội dung? Hiện nay, khi vấn đề về kỹ thuật tối ưu hóa từ khóa trở nên bão hòa thì nội dung chính là mấu chốt quyết định thành công.
Trong cuốn Inbound marketing, Brian Halligan và Dharmesh Shah chỉ ra hai cách để nội dung của bạn trở nên đáng chú ý. Cách thứ nhất là nội dung cực kỳ sâu với đối tượng bạn tiếp cận. Ví dụ, bạn là người nấu ăn ngon nhất, bạn có thể chia sẻ những thứ hữu ích chỉ bạn biết mà không ai biết thì nội dung của bạn là đáng được xem nhất so với tất cả những người nấu ăn còn lại.
Cách thứ hai là “vượt qua giới hạn”, nhìn nhận vấn đề theo một cách vượt ra ngoài khuôn khổ. Với cách này, đôi khi nội dung bị mở rộng thành các đề tài gây sợ hãi, giật gân. Tuy nhiên, đó không phải cách mà Brian Halligan và Dharmesh Shah khuyến khích. Bởi triết lý cuối cùng của Inbound marketing chính là “nếu bạn mang lại điều gì tốt cho khách hàng, công ty của bạn mới có thể phát triển trong dài hạn”.
Trong Inbound marketing, Brian Halligan và Dharmesh Shah còn đưa ra mô hình tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ Inbound marketing hiệu quả. Đó là mô hình DARC. Trong đó, D là “hire digital citizens” - tuyển dụng công dân số; A là “Hire for analytical chops” - tuyển dụng vì khả năng phân tích; R là “Hire for web reach” - tuyển dụng vì phạm vi tiếp cận trên mạng; C là “hire content creators” - tuyển dụng người sáng tạo nội dung.
Ở thời điểm hiện tại, khi mạng xã hội lên ngôi, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phát triển, người dùng chưa bao giờ dễ dàng tiếp cận nội dung đến như vậy, nhưng Inbound marketing vẫn đứng vững như một trong những chiến lược digital marketing hiệu quả nhất. Được viết bởi chính cha đẻ của chiến lược này, Inbound marketing là cuốn sách không thể bỏ qua với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, những người phát triển nội dung và quan tâm đến tiếp thị trực tuyến.
Sách do First News thực hiện.
Ngoài vị trí CEO của Hubspot, Brian Halligan là giảng viên cao cấp giảng dạy Marketing và Phát triển Sản phẩm Kinh doanh của MIT. Còn Dharmesh Shah từng là một nhà đầu tư thiên thần cho hơn 50 nhà khởi nghiệp công nghệ. Dharmesh đồng thời là người sáng lập của OnStartups.com, một trang blog khởi nghiệp nổi tiếng với một cộng đồng có hơn 400.000 thành viên; và là một diễn giả thường xuyên cho các chủ đề về khởi nghiệp, marketing. |