Tuy nhiên mới đây, Bộ KH-CN bất ngờ có dự thảo sửa đổi thông tư với việc lùi thời gian nói trên sang 1-1-2019. Vấn đề đáng bàn ở đây là sự dây dưa, kéo dài của một quy định pháp luật còn xuất phát từ độ chênh với nhu cầu xã hội khi phần lớn người dân vẫn thờ ơ.
Biên nhận bán hàng tại cơ sở xăng dầu 99 Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Ảnh: Thanh Duy
Điều chỉnh trước ngày có hiệu lực
Thông tư số 15 về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu được Bộ KH-CN ban hành cách đây 3 năm với mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như hướng tới sự văn minh, hiện đại trong kinh doanh buôn bán xăng dầu. Quy định về chứng từ nêu trong thông tư phải bao gồm tên cơ sở bán xăng dầu, địa chỉ, cột, ký hiệu, số sê-ri của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền đã bán... Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN) sau đó cũng đã ban hành văn bản số 562/TĐCHCHQ để cụ thể hóa các quy định của Thông tư 15. Ghi nhận vào thời điểm đó cho thấy, đã có không ít ý kiến phản ánh việc gắn các thiết bị in chứng từ sẽ gây tốn kém, tăng chi phí cho doanh nghiệp (DN), trong khi phần lớn người dân không có nhu cầu, sẵn sàng “xả rác” gây mất vệ sinh môi trường.
Thế nhưng, trước ngày Thông tư 15 có hiệu lực khoảng 1 tuần, Bộ KH-CN bất ngờ có động thái điều chỉnh. Cụ thể, ngày 22-6, bộ có văn bản gửi các cơ quan nghiên cứu, sở KH-CN các địa phương về việc lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 7 Điều 6 của Thông tư 15. Trong đó, nêu rõ việc điều chỉnh thời gian bắt buộc các trạm đo xăng dầu gắn thiết bị in hóa đơn sang 1-1-2019. Ngoài sửa đổi về mặt thời gian, dự thảo còn bổ sung các yêu cầu đảm bảo của thiết bị được gắn.
Cũng cần nói thêm, ngay Thông tư 15 và Văn bản 562 cũng vừa bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp kết luận là không bảo đảm tính hợp pháp. Theo phân tích của Cục Kiểm tra VBQPPL: Mặc dù Luật Đo lường năm 2011 giao Bộ KH-CN thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường (Điều 54), Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có quy định giao Bộ KH-CN thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong quản lý nhà nước liên quan đến chất lượng xăng dầu (khoản 3 Điều 12; khoản 3 Điều 32; khoản 3 Điều 40), trong đó có nội dung về thiết bị đo lường xăng dầu. Tuy nhiên, theo lời văn ở Khoản 7 Điều 6 Thông tư 15, không thể hiểu “thiết bị in chứng từ” phải gắn tại các cột đo xăng dầu là thiết bị đo lường hay thiết bị kiểm soát chất lượng xăng dầu. Như vậy, Bộ KH-CN ban hành quy định này là không phù hợp về thẩm quyền.
Người dân vẫn thờ ơ
Theo đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH-CN TPHCM), Bộ KH-CN và chi cục chỉ có trách nhiệm kiểm tra về mặt kỹ thuật và chất lượng của thiết bị in chứng từ bán lẻ xăng dầu chứ không tham gia vào việc gắn thiết bị này. Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã công bố những mẫu thiết bị đạt chuẩn và được phép gắn vào cột đo xăng dầu để đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Song chính sự “lừng khừng” trong ban hành và thực hiện Thông tư 15 từ phía các cơ quan nhà nước, nên ghi nhận sau ngày 1-7-2018, chỉ một số ít các cây xăng đã gắn thiết bị in trong đợt thử nghiệm hồi năm 2017, hầu hết các cây xăng còn lại không mấy bận tâm.
Theo Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), cả nước hiện có khoảng 50.000 cột đo xăng dầu tại gần 12.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Phần lớn các cột đo xăng dầu nhập khẩu đều có sẵn chức năng in, không phải chi phí gắn thêm chức năng in. Một số doanh nghiệp lớn đã có sẵn chương trình in kết quả đo thông qua hệ thống quản trị nội bộ để sẵn sàng in kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu nên không phát sinh chi phí.
Trong khi đó, người dân thì gần như không có nhu cầu với loại chứng từ này. Chủ chi nhánh Petrolimex tại địa chỉ 99 đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM) chia sẻ: “Khoảng 3 tháng trước, cột đo xăng dầu ở đây đã được gắn thiết bị in chứng từ bán hàng và cũng đã được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra. Nhưng sau đó, số lượng khách hàng vào nhận biên lai bán hàng rất ít, chỉ có vài khách hàng đi ô tô hoặc đi xe công ty đề nghị in. Công tác quản lý tại đây cũng không có thay đổi nhiều sau khi gắn thiết bị”. Ghi nhận tại điểm bán lẻ xăng dầu số 759 đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TPHCM) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trạm xăng này đã gắn thiết bị in chứng từ được một thời gian, nhưng không thấy khách hàng nào vào lấy biên lai. Khi chúng tôi đề nghị được nhận hóa đơn sau khi đổ xăng, nhân viên trạm xăng hướng dẫn vào văn phòng để nhận hóa đơn được in với khổ giấy A5.
Hỏi một số khách hàng tại trạm xăng về việc có lấy chứng từ bán hàng sau khi đổ xăng hay không thì hầu hết câu trả lời nhận lại được là không biết hoặc thấy không cần thiết. Trong khi đó, một số ý kiến người dân cho rằng có chứng từ cũng chưa chắc có thể kiện trạm xăng khi có sự cố liên quan đến xăng, vì trên thực tế trước khi đổ xăng mới thì trong phương tiện vẫn còn xăng từ lần đổ trước. Không thể chắc chắn đâu là nơi bán nhiên liệu kém chất lượng.