>> Ông NGUYỄN VĂN TÙNG: Đến nay tình trạng khan hiếm SGK đã được giải quyết ổn thỏa. NXBGD cam kết và chắc chắn sẽ phục vụ đầy đủ đồng bộ kịp thời nhu cầu về SGK của các em học sinh trong cả nước. Để phục vụ tốt nhu cầu SGK năm 2018 - 2019, từ tháng 10 năm trước, NXBGD đã thực hiện kế hoạch in và phát hành SGK căn cứ trên sản lượng phát hành của năm học trước; vào kế hoạch đặt hàng của các công ty sách - thiết bị trường học; dự trù biến động về học sinh ở các lớp đầu cấp. Tháng 12-2017, NXBGD tổ chức in và sau đó nhập kho vận chuyển về địa phương. Năm 2018 dự trù những biến động về phát hành có thể do sắp thay SGK mới nên chúng tôi đã đưa sách về địa phương từ 15-3, sớm hơn mọi năm là 15 ngày. Tính đến ngày 24-8, NXBGD đã phát hành được 110,9 triệu bản SGK, đạt 106,7% kế hoạch vượt 5% so với cùng kỳ của năm 2017. Đến thời điểm này, về cơ bản việc phục vụ SGK cho học sinh cả nước đón năm học mới 2018 - 2019 đã tương đối đầy đủ, đồng bộ và kịp thời.
Tôi khẳng định việc in ấn, phát hành của NXBGD năm nay cũng đã dự trù có tính đến 2 yếu tố: dự trù biến động học sinh đầu cấp trong đó có lớp 1 và yếu tố tâm lý sắp có SGK lớp 1 mới trong năm học sau. Tuy nhiên, việc thiếu SGK vẫn diễn ra ở các địa phương. NXBGD đã khảo sát và thấy có 5 nguyên nhân. Thứ nhất, năm nay có sự đột biến về số lượng học sinh ở các lớp đầu cấp, nhất là trong các thành phố lớn, đặc biệt là ở lớp 1, dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm. Thứ hai, một nguyên nhân rất cơ bản đó là do thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty sách thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp hơn để tránh tồn kho nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXBGD. Thứ ba, hiện nay nhiều gia đình ở thành phố, những gia đình có điều kiện mua đến 2 bộ SGK cho con em của mình (1 bộ ở lớp và 1 bộ ở nhà). Thứ tư, do thiên tai, lũ lụt ở một số nơi, SGK của học sinh ở các vùng lũ lụt bị cuốn trôi rất nhiều, NXBGD đã phải điều tiết một số lượng rất đáng kể để phục vụ cho giáo viên và học sinh của những địa phương đó. Thứ năm, do nhiều bậc phụ huynh và học sinh chưa phân biệt được đâu là SGK và đâu là sách tham khảo. Thực tế rất nhiều phụ huynh và học sinh gần đây đang đi tìm một số tài liệu tham khảo do các nhà xuất bản khác không do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quản lý in ấn và phát hành. Khi phản ánh với báo chí truyền thông, dư luận lại hiểu nhầm đó là SGK.
Trong khoảng một tuần nay, nhằm khẩn trương giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu sách cục bộ, NXBGD đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Chúng tôi nhanh chóng chủ động bổ sung những đầu SGK còn thiếu, đặc biệt là SGK lớp 1, lớp 6, và lớp 10. Để phục vụ nhu cầu của học sinh và giáo viên, hiện tại các đầu sách thiếu này đã có đầy đủ tại cửa hàng, hệ thống các siêu thị, nhà sách của NXBGD tại Hà Nội và một số địa phương.
Đến thời điểm này, sau những nỗ lực cung ứng SGK, NXBGD khẳng định đã cơ bản đáp ứng nhu cầu SGK cho người dân. Người dân có thể phản ánh thông tin về thiếu SGK thông qua các đường dây nóng mà NXBGD đã công bố trên web của NXBGD.
- NXBGD có lường được việc năm nay SGK sẽ khan hiếm không, thưa ông?
Về câu hỏi NXBGD có dự trù SGK do tăng đột biến về sĩ số học sinh hay không, chúng tôi xin trả lời là có. Như chúng tôi nói ở trên, khi xây dựng kế hoạch in phát hành, chúng tôi có tính đến 2 yếu tố là: dự trù biến động học sinh đầu cấp trong đó có lớp 1; và đẩy sớm việc phát hành lên đến 15 ngày do tính toán đến yếu tố tâm lý sắp có SGK lớp 1 mới.
Tôi cũng xin lưu ý một điều, hiện nay, SGK chúng ta đang dùng là SGK của chương trình cũ và đã được ổn định từ 2003 đến nay. Tới đây, chúng ta thực hiện cải cách chương trình mới và bắt đầu SGK mới từ lớp 1. Vì vậy SGK hiện nay đang dùng có thể sử dụng lại của những năm trước. Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà trường, các em lớp trên quyên góp tặng lại sách cho các bạn ở lớp dưới để có thể sử dụng lại.
- Theo báo cáo NXBGD gửi Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cơ quan quản lý lĩnh vực xuất bản, năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXBGD chiếm tới 56,4% ngành xuất bản. Năm 2017, con số này là 50,4%; chưa kể các loại ấn phẩm khác. Như vậy, số lượng phát hành SGK của NXBGD bằng tất cả ấn phẩm in ấn của các NXB khác của Việt Nam cộng lại. Xung quanh việc khan hiếm SGK năm nay, dư luận cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là việc độc quyền SGK, thưa ông?
Làm SGK là nhiệm vụ chính trị mà NXBGD đã làm 60 năm nay và đã được Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ 60 năm nay. Tới đây, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông thì tới đây thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK. Như vậy, sắp tới, ngoài NXBGD Việt Nam, thì Bộ TT-TT đã cấp thêm giấy phép xuất bản SGK cho 3 NXB khác nữa. Vì vậy, chúng tôi sẽ không còn phải “mang tiếng” độc quyền SGK nữa.
- SGK dùng một năm, sau đó lại in sách mới, lượng bản sách in hàng năm rất nhiều. Như năm 2016, số đầu SGK mà NXBGD in là 424 đầu sách với gần 189 triệu bản - chỉ chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm tới 56,4% số bản sách trong toàn ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, bao năm qua, dù thực hiện một bộ SGK nhưng hoàn toàn có thể thực hiện việc đấu thầu in SGK?
Chúng tôi xin thưa là năm nào NXBGD cũng tổ chức đấu thầu in vào khoảng tháng 11, 12 của năm trước. Bằng cơ chế đấu thầu đó đã giảm rất nhiều giá thành của sách. NXBGD đã vô cùng nỗ lực để bình ổn SGK. Khoảng 10 năm trở lại đây, NXBGD không xin tăng giá SGK, trong khi đó giá giấy và công in tăng hàng năm, riêng năm 2018 này tăng 30%. NXBGD mỗi năm phải bù chi phí in ấn SGK từ 40 đến 50 tỷ đồng. Chúng tôi phải điều chuyển từ nguồn lãi kinh doanh khác để bù cho việc in ấn và phát hành SGK. Việc in ấn, phát hành SGK là một nhiệm vụ chính trị mà NXBGD đã làm rất tốt suốt 60 năm qua.
- Xin cảm ơn ông!