Với tư cách là một nhà giáo, vừa là một phụ huynh, bản thân tôi thấy có mấy vấn đề nổi lên từ câu chuyện buồn này.
Trước hết, trong nhà trường, giáo viên vừa là người dạy chữ vừa dạy học sinh cách làm người. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải có năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm. Việc chọn cách im lặng trước học sinh đã chứng tỏ giáo viên vi phạm nguyên tắc giáo dục, không làm tròn trách nhiệm của nhà sư phạm.
Trong quá trình lên lớp, có nhiều tình huống sư phạm đã xảy ra, dạy học được xem là nghệ thuật khi giáo viên biết khéo léo sử dụng các biện pháp khác nhau để xử lý, làm sao học sinh tâm phục khẩu phục.
Chọn cách không quan tâm đến học sinh là cách tiêu cực nhất. Khi bắt đầu im lặng trước học sinh, giáo viên có nghĩ đến tâm trạng căng thẳng, bất an của các em không?
Là giáo viên ai cũng phải hiểu rằng nếu giáo viên chỉ im lặng trong một tiết học thôi, bầu không khí lớp học đã ngột ngạt, bí bức lắm rồi. Có ai mang tâm trạng bị ức chế mà có thể lĩnh hội được kiến thức đâu. Khi cô giáo làm việc không khác gì một cái máy, không cần bận tâm học sinh đang suy nghĩ gì về mình thì chẳng có ý nghĩa giáo dục gì hết.
Sự việc này cũng cho thấy mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh ở nhà trường đang có vấn đề. Bởi trong một môi trường sư phạm, khi lớp học hay một học sinh nào đó có điều gì xảy ra, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi và cùng nhau tìm cách giải quyết.
Các giáo viên cùng tổ bộ môn phải thường xuyên dự giờ, trao đổi chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy. Lẽ ra khi gặp khó khăn về chuyên môn giảng dạy, hay các tình huống sư phạm thì giáo viên trao đổi với đồng nghiệp để tìm hướng giải quyết phù hợp nhất. Vì sao trong trường hợp này, mọi chuyện lại diễn ra một cách lặng lẽ và thiếu sự kiểm tra giám sát? Đó cũng có phần trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường.
Mong rằng sau sự việc này những người làm công tác giáo dục cần xem lại mình. Mọi khó khăn đều có thể tháo gỡ, nhưng nhân cách của người thầy sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ.