Sau khi đạt được những thành tựu đáng kể trong quý 4-2021, số giờ làm việc trên toàn cầu của quý 1-2022 đã giảm, thấp hơn 3,8% so với mức trước khủng hoảng (quý 4-2019), tương đương với mức thâm hụt 112 triệu việc làm toàn thời gian. Những cuộc khủng hoảng toàn cầu mới có tác động qua lại với nhau, bao gồm lạm phát (đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm), bất ổn tài chính, nguy cơ vỡ nợ và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do xung đột ở Ukraine.
Điều này đồng nghĩa với việc số giờ làm việc có nguy cơ giảm sâu hơn nữa trong năm 2022, để lại những tác động lớn hơn đối với thị trường lao động toàn cầu trong những tháng tới. Báo cáo cũng cho thấy, sự khác biệt lớn và ngày càng tăng giữa các nền kinh tế giàu và nghèo vẫn là đặc điểm nổi bật. Khoảng cách giới trong số giờ làm việc cũng gia tăng trong thời kỳ đại dịch.
Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh, các nước cần phải phối hợp cùng nhau và chú trọng xây dựng công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm. Các biện pháp này bao gồm: Hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để duy trì sức mua của thu nhập từ lao động và mức sống chung của người lao động và gia đình họ; khẩn trương tổ chức đối thoại ba bên để hỗ trợ điều chỉnh tiền lương phù hợp và công bằng bao gồm tiền lương tối thiểu, tăng cường hệ thống an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập và đảm bảo các biện pháp an ninh lương thực khi cần thiết; điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô một cách cẩn trọng để giải quyết những sức ép liên quan đến lạm phát và tính bền vững của các khoản nợ, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi bao trùm và tạo ra nhiều việc làm; hỗ trợ cho các nhóm và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, những người lao động đặc biệt dễ bị tổn thương và những người đang chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.