ILO: 25 triệu lao động sẽ thất nghiệp vì Covid-19


Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hiệp quốc cảnh báo, dịch Covid-19 có thể kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đẩy 25 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh thất nghiệp nếu các chính phủ không nhanh chóng hành động.
Người dân New York (Mỹ) xếp hàng mua thực phẩm tại siêu thị
Người dân New York (Mỹ) xếp hàng mua thực phẩm tại siêu thị

Cần chính sách ứng phó 

Báo cáo này dựa trên các viễn cảnh khác nhau về tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Con số 25 triệu người còn cao hơn mức 22 triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Ngoài ra, đến cuối năm 2020, người lao động trên toàn thế giới có thể mất 860 tỷ - 3.400 tỷ USD thu nhập. 

Tuy nhiên, ILO cho rằng tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường lao động thế giới có thể giảm đáng kể nếu có chính sách ứng phó phối hợp cấp độ toàn cầu. Tổ chức trên kêu gọi các chính phủ khẩn trương thực thi các biện pháp khẩn cấp, phối hợp và quy mô lớn để bảo vệ người lao động, kích thích nền kinh tế, hỗ trợ việc làm và thu nhập. Các biện pháp được ILO đề xuất bao gồm hỗ trợ người lao động bằng việc làm ngắn hạn hoặc nghỉ việc có lương, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng như giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kinh tế toàn cầu chao đảo trong lúc dịch Covid-19 bùng phát đang trở thành nỗi lo chung của hàng loạt quốc gia trên thế giới. Riêng tại Mỹ, sau nhiều tháng khởi sắc, thị trường việc làm bắt đầu phát đi tín hiệu cảnh báo. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, nếu không có sự can thiệp của Chính phủ và Quốc hội, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số 1 thế giới có thể tăng lên mức 20% do ảnh hưởng dịch, tức gấp 6 lần con số hiện nay.

Ngày 19-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch Covid-19 trị giá 104 tỷ USD. Đạo luật này bao gồm các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm Covid-19 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa tiền lương trong 10 ngày nghỉ bệnh. Đây là gói hỗ trợ thứ hai được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái. 

Mở gói giải cứu  

Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố tung ra chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trị giá 750 tỷ EUR đến hết năm 2020. Quyết định của ECB nêu rõ, đây là biện pháp để khởi động chương trình thu mua tài sản tạm thời đối với chứng khoán khu vực công lẫn tư nhằm ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng đe dọa cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do dịch Covid-19 gây ra. Việc thu mua sẽ được tiến hành cho tới cuối năm 2020 và sẽ bao gồm tất cả hạng mục tài sản phù hợp theo Chương trình Thu mua tài sản (APP) hiện nay. ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân khu vực đồng EUR vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay đồng thời sẽ đảm bảo để mọi thành phần (hộ gia đình, công ty, ngân hàng, chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gói giải cứu trị giá 6,5 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các nước thành viên đang phát triển (DMC) trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo ADB, trong gói giải cứu nói trên sẽ có khoảng 3,6 tỷ USD tài trợ cho các chính phủ đối phó với những tác động kinh tế và y tế từ dịch bệnh và 1,6 tỷ USD tài trợ không có đảm bảo chính phủ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động thương mại trong nội địa và quốc tế cũng như các công ty bị ảnh hưởng. ADB cũng sẵn sàng cung cấp thêm các hỗ trợ tài chính và cố vấn chính sách khi cần thiết.

Tiểu bang Washington vừa có 2 người Mỹ gốc Việt tử vong vì Covid-19. Đây có thể là những người gốc Việt đầu tiên tử vong do Covid-19 trên thế giới. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946, tử vong ngày 16-3 tại thành phố Seattle. Bà được phát hiện có dấu hiệu nhiễm Covid-19 trong một trại dưỡng lão ngày 9-3, sau đó được đưa vào một trung tâm y tế xét nghiệm và có kết quả dương tính. Bệnh nhân tử vong sau 1 tuần nhập viện. Bệnh nhân thứ hai là một người cao tuổi khiếm thị, sống tại một viện dưỡng lão cũng ở tiểu bang Washington. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt từ ngày 12-3, sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Mặc dù bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện chữa trị nhưng qua đời sau đó 24 giờ.

Tin cùng chuyên mục