Theo đó, IFC sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 40 triệu USD – khoản đầu tiên của tổng gói vay dự kiến 120 triệu USD, nhằm giúp SHB hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoản đầu tư của IFC dự kiến sẽ giúp SHB tăng gấp đôi số lượng các khoản vay dành cho DNVVN và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vào năm 2025.
Theo IFC, tại Việt Nam, mặc dù DNVVN đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 50% việc làm, các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, với khoảng 62% tổng nhu cầu vốn của DNVVN chưa được đáp ứng. Một khảo sát của IFC vào năm 2017 ước tính nhu cầu vốn của các DNVVN tại Việt Nam là khoảng 21,7 tỷ USD.
SHB cho biết, với dòng vốn ưu đãi từ IFC, các DNVVN có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng, từ đó có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững.
Đáng lưu ý là khoảng 1/5 gói vay sẽ được dành để cho vay các DNVVN tham gia chuỗi cung ứng. Khoản tài trợ này, cùng với những hoạt động tư vấn của IFC sẽ giúp SHB mở rộng quy mô tài trợ chuỗi giá trị – một phân khúc mới tại thị trường Việt Nam, cung cấp nhiều giải pháp tài chính hiệu quả với chi phí thấp hơn cho các nhà cung cấp tham gia vào các chuỗi cung ứng.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cũng cho biết, IFC đang phối hợp với các tổ chức cho vay quốc tế để huy động một gói tài trợ bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cho vay DNVVN của SHB.
Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) của IFC dự kiến sẽ cung cấp một hạn mức bảo lãnh thương mại trị giá 75 triệu USD cho SHB trong thời gian tới. IFC cũng sẽ tư vấn cho SHB nâng cao các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như tăng cường năng lực quản lý rủi ro.