Theo GS Trần Thanh Vân (người Pháp gốc Việt), Chủ tịch Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đặt tại TP Quy Nhơn (Bình Định) sẽ là nơi tổ chức các hội nghị quốc gia và quốc tế, hội thảo chuyên ngành, đào tạo chuyên sâu về khoa học dành cho nghiên cứu sinh, tiến sĩ… cho khoa học Việt Nam và các nước trong khu vực, qua đó nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Chọn mặt gửi vàng
Theo GS Trần Thanh Vân, việc chọn Việt Nam để xây dựng ICISE không chỉ vì đây là quê cha đất tổ mà còn vì Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới. Học sinh Việt Nam giành nhiều huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế về toán, vật lý, hóa học… và các sinh viên trong nước du học tại các đại học danh tiếng nhất ở Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Đức, Nhật… luôn có kết quả học tập, nghiên cứu đạt loại xuất sắc.
GS Vân tâm sự: “Chúng tôi liên lạc với các địa phương của miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Phan Thiết… nhưng lần gặp đầu tiên làm việc với anh Vũ Hoàng Hà (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lúc đó) chúng tôi rất ấn tượng. Anh Hà rất quan tâm và hiểu tầm quan trọng của khoa học và giáo dục nên chúng tôi chọn nơi này để xây dựng trung tâm”.
Kiến trúc sư Thomas Rouyrre - thành viên của Văn phòng Kiến trúc Milou, người chịu trách nhiệm trực tiếp thiết kế ICISE, cho biết: “Tư tưởng kiến trúc của công trình này là hài hòa với thiên nhiên, chứ không thách thức thiên nhiên. ICISE không có những tòa cao ốc mà chỉ có hội trường lớn 300 chỗ ngồi, hội trường nhỏ 100 chỗ ngồi, khách sạn bốn sao, nhà hàng, quán cà phê, các ngôi nhà một tầng theo kiểu bungalow dưới tán lá dừa xanh, những ngôi nhà trầm tư (cogitum), phòng trị liệu nước (spa), bể bơi nước ngọt, nhịp cầu qua suối, lối dạo bộ len lỏi dưới rừng cây…”.
Người bắt nhịp cầu
GS Trần Thanh Vân quê ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Năm 1953, ông nhận được học bổng của vua Bảo Đại sang Pháp du học với mơ ước sẽ thành một kỹ sư giỏi. Nhưng đến năm 1957, khi gặp GS Maurice Lévy (nhà khoa học vật lý nguyên tử người Pháp) thì ông chuyển sang nghiên cứu ngành vật lý hạt cơ bản.
Ngoài việc giảng dạy tại Đại học Paris, GS Trần Thanh Vân còn là nghiên cứu viên cao cấp danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Viện Hàn lâm Nga bầu làm Viện sĩ. Hiện đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách do GS Trần Thanh Vân đứng tên.
Hơn 10 năm nay, từ khi về nước, hai vợ chồng GS Vân dành toàn bộ thời gian và sức lực để hỗ trợ cho những hoạt động xã hội vì trẻ em Việt Nam. Vợ chồng ông góp công rất lớn vào việc xây dựng 10 làng SOS tại Việt Nam với tinh thần “người Việt Nam giúp người Việt Nam”. Liên tục từ năm 2001 đến nay, Tổ chức gặp gỡ Việt Nam do GS Vân làm chủ tịch đã cấp học bổng cho hàng ngàn học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc ở Việt Nam. Dự án xây dựng ICISE có tổng vốn đầu tư 6 triệu USD, trong đó vợ chồng giáo sư đóng góp 2 triệu USD.
Từ năm 1993 đến nay, GS Trần Thanh Vân về nước và phối hợp với GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, lần lược tổ chức 6 hội thảo quốc tế vật lý mang tên Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những nhà vật lý từng đoạt Giải thưởng Nobel như J. Steimberger (Mỹ), N. Ramsey (Mỹ), G. Charpak (Pháp), J. Friedman (Mỹ), K. Klitzing (Đức)… cũng từng đến Việt Nam tham gia các cuộc gặp gỡ.
GS Vân khẳng định: “Chúng tôi sẽ đưa các giáo sư có tên tuổi trên thế giới đến với ICISE. Các giáo sư Việt Nam đến tham gia hội thảo tại ICISE sẽ có cơ hội giao lưu, tranh luận và thu lượm các kết quả mới của thế giới về khoa học, qua đó tạo động lực cho khoa học nước nhà phát triển. Nhưng tham vọng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn muốn mở rộng ra các nước ở châu Á”.
GS Vân cho biết: “ICISE sẽ thu hút các nhà khoa học tên tuổi. Việc nhiều giáo sư gốc Việt rất nổi tiếng như Trịnh Xuân Thuận, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Phạm Thanh Hưng... thường xuyên về nước để giao lưu, giảng dạy sẽ tạo động to lớn cho thế hệ trẻ ở trong nước làm khoa học. Tôi nghĩ bên cạnh việc phát triển kinh tế, cũng cần chú trọng phát triển khoa học mới giúp đất nước cường thịnh được”.
| |
Hoàng Trọng