Nghị quyết do Anh, Pháp và Đức soạn thảo, được thông qua ngày 5-6 (giờ địa phương) với 20 phiếu thuận, 12 phiếu trắng, 2 phiếu chống (của Trung Quốc và Nga). 1 nước không tham gia bỏ phiếu.
Theo Reuters, nghị quyết yêu cầu Iran giải thích xác đáng về việc xuất hiện các hạt uranium tại 2 địa điểm không được công bố ở nước này, yêu cầu Iran đảo ngược các quyết định liên quan tới thanh sát viên của IAEA, và không trì hoãn việc kết nối lại hệ thống camera giám sát các hoạt động hạt nhân. Nghị quyết cũng đề cập đến những quan ngại xoay quanh các tuyên bố công khai gần đây của Iran liên quan đến kỹ thuật sản xuất vũ khí hạt nhân và khả năng có những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Iran.
Mặc dù được cho là chỉ mang tính biểu tượng, động thái trên nhằm gia tăng áp lực ngoại giao đối với Tehran, làm tăng khả năng đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau khi nghị quyết được thông qua, Phái bộ Iran tại LHQ cáo buộc động thái này là vội vàng và thiếu khôn ngoan, không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý, kỹ thuật và chính trị nào và sẽ tác động tiêu cực đến quá trình tương tác ngoại giao và hợp tác mang tính xây dựng giữa các bên. Đồng thời, cho biết Iran sẽ có “phản ứng nghiêm túc và hiệu quả”.
Trong một tuyên bố chung được hãng thông tấn Iran IRNA trích dẫn ngày 5-6, Tehran, Moscow và Bắc Kinh kêu gọi các nước phương Tây thể hiện thiện chí và thực hiện các bước cần thiết để tiếp tục triển khai Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Sau khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018, Iran cũng dần phá bỏ các cam kết theo thỏa thuận này.