Không minh bạch chương trình hạt nhân
Báo cáo vừa được IAEA công bố cho thấy tính đến ngày 19-2-2020, Iran dự trữ 1.510kg uranium đã làm giàu, cao hơn 5 lần so với mức giới hạn 300kg theo thỏa thuận ký kết năm 2015.
Một số chuyên gia cho rằng mức độ dự trữ này cung cấp đủ nguyên liệu để sản xuất một đơn vị vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn cần thêm một số bước để những nguyên liệu này phù hợp sử dụng cho chế tạo vũ khí. Báo cáo có đoạn nêu rõ, Iran không làm giàu uranium trên mức 4,5% trong khi mức làm giàu uranium phải ở khoảng 90% mới có thể được sử dụng cho sản xuất vũ khí hạt nhân.
Iran bắt đầu thu hẹp các cam kết cần tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran để buộc quốc gia này trở lại đàm phán sửa đổi thỏa thuận. Tới nay, Iran đã vi phạm một số phần trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với nhóm P5+1 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thỏa thuận, Iran cam kết thu hẹp chương trình hạt nhân, đổi lại, các quốc gia còn lại dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên nước này.
IAEA cũng cho biết, Iran đã từ chối cho tiếp cận 2 địa điểm mà cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc muốn tới thăm hồi cuối tháng 1 vừa qua. Báo cáo nêu rõ, các địa điểm trên là 2 trong số 3 địa điểm IAEA nhận định: “Có những điểm hoài nghi liên quan vật liệu hạt nhân và các hoạt động hạt nhân không được công bố”.
Phát biểu trong chuyến thăm đến Paris, Pháp, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi lên tiếng cảnh báo về chương trình hạt nhân Iran và yêu cầu Iran phải quyết định hợp tác một cách rõ ràng hơn với tổ chức này để cung cấp những thông tin minh bạch cần thiết. Sau cuộc gặp với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Iran hợp tác ngay lập tức và đầy đủ với IAEA.
Muốn nối lại đối thoại
Gần đây, phía Iran đã có dấu hiệu mềm mỏng hơn trong việc nối lại đối thoại với phương Tây. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, nước Cộng hòa Hồi giáo “không đóng cánh cửa” đối thoại với Liên minh châu Âu (EU). Ông Rouhani nhấn mạnh, sự hiện diện cùng với những chính sách của Mỹ ở khu vực chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mất an ninh ở đây, đồng thời lên án những lệnh trừng phạt đơn phương của Washington nhằm vào nước này.
Theo ông Rouhani, hơn 21 tháng qua kể từ khi Washington rút khỏi JCPOA, đáng tiếc là EU đã không có được những biện pháp hiệu quả, phù hợp với quan hệ song phương và hoàn thành những cam kết của khối này. Giới chức Iran đã bày tỏ thất vọng về cơ chế INSTEX, cơ chế tài chính do Đức, Pháp và Anh thành lập hơn 1 năm qua, vốn được thiết kế riêng trong giao dịch với Iran nhưng không có bất cứ một hoạt động nào.
Sau tuyên bố kênh thương mại này được đi vào hoạt động thì 6 quốc gia EU là Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển quyết định tham gia. Khi đó, Iran đã kỳ vọng đây là một công cụ tài chính quan trọng, có thể giúp nước này thoát khỏi những đòn trừng phạt nặng nề nhất trong lịch sử đến từ phía Mỹ. EU tuyên bố cơ chế này sẽ đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm và thuốc men, trong khi Tehran lại muốn tìm kiếm cơ hội mua bán dầu mỏ. Điều này là yêu cầu khó với châu Âu bởi nếu chấp nhận sẽ đồng nghĩa với việc đồng minh của Mỹ đang đi đêm để né trừng phạt.