Bên cạnh đó, người đứng đầu IAEA cho biết, không thể xác định chính xác nguồn gốc hoặc hướng của các vụ nổ, ngoại trừ vụ việc xảy ra hôm 22-2 - mà Ban quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mô tả là hoạt động huấn luyện tại hiện trường, nhưng không có vụ pháo kích hay bất kỳ thiệt hại nào đối với nhà máy. Các chuyên gia IAEA báo cáo đã nghe thấy tiếng nổ mỗi ngày trong tuần này và riêng ngày 23-2, có nhiều tiếng nổ liên tiếp.
IAEA lưu ý một trong số những rủi ro về an toàn và an ninh hạt nhân mà nhà máy điện hạt nhân đang phải đối mặt là không có nguồn điện dự phòng. Cụ thể, nhà máy điện hạt nhân vẫn nhận được điện cần thiết để làm mát lò phản ứng và các chức năng an toàn, an ninh hạt nhân khác từ đường dây 750 kilovolt (kV) duy nhất, nhưng hiện tại nhà máy điện hạt nhân không có lựa chọn dự phòng nào cho nguồn điện bên ngoài.
Các quan chức IAEA đã có mặt để giám sát tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia kể từ tháng 9-2022. 6 tổ máy, trước xung đột sản xuất khoảng 1/5 lượng điện của Ukraine, đã ngừng hoạt động. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này đã trở thành tâm điểm giao tranh kể từ khi lực lượng của Nga giành quyền kiểm soát hồi tháng 3-2022. Cả Moscow và Kiev đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.