Sau khi 2 tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết lần lượt được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 30-4 và 19-5, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh thi công cầu vượt, nút giao, đường gom dân sinh, đường công vụ, hầm chui, rãnh thoát nước... trên tuyến trước ngày 30-6-2023. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thi công các hạng mục này đang rất chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Là địa bàn có hơn một nửa chiều dài đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua, người dân ở huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) liên tục phản ánh những bất cập đang tồn tại của dự án này.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, địa phương hiện đang có tới 19 đoạn đường bị hư hỏng do phục vụ vận chuyển vật liệu để thi công đường cao tốc nhưng đến nay chưa được các nhà thầu sửa chữa, hoàn trả, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Trong khi đó, gần 8km đường gom dân sinh trên địa bàn các xã Hải Ninh, Sông Bình, Bình Tân (huyện Bắc Bình) cũng chưa được thi công khiến người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Đặc biệt, do các đoạn đường dẫn kết nối vào hầm chui dân sinh chưa thi công xong, khiến 7 hầm chui dân sinh trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa bàn huyện này đang bị ngập úng nghiêm trọng, nhất là khi trời mưa.
Ông Nguyễn Vĩnh Hải (ngụ xã Bình Tân, huyện Bắc Bình), bức xúc: “Hầm chui có lúc bị ngập sâu hơn 1m nên việc đi lại, vận chuyển thanh long, hàng hóa của bà con gặp nhiều khó khăn”.
Tương tự, tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), nơi có 2 tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhiều người dân bị đảo lộn vì việc thi công cao tốc không đồng bộ.
Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, cho biết, việc sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường công vụ, đường dân sinh bị xuống cấp do phục vụ xây dựng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện, dù cao tốc đã đi vào sử dụng hơn 2 tháng nay. Trong khi đó, nhiều khu vực sản xuất thanh long tại đường gom dân sinh đoạn Km21+889 và cầu Suối Khoét của huyện này liên tục bị chia cắt vì hệ thống thoát nước, đường gom dân sinh chậm trễ thi công, gây ngập úng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển hàng hóa của người dân.
Theo tìm hiểu, tình trạng các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng do phục vụ thi công đường cao tốc, việc đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, hầm chui,… chậm hoàn thành còn xảy ra tại các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận. Trong đó, tại huyện Tuy Phong có 7 tuyến đường hư hỏng, gần 1,5km đường dân sinh chưa hoàn thành; tại huyện Hàm Tân có 6 đoạn đường bị hư hỏng, gần 7km đường dân sinh chưa hoàn thiện…
Cầu vượt, đường gom dân sinh tại nút giao cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) vẫn đang thi công |
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết, các tuyến đường công vụ bị hư hỏng do phục vụ thi công 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa được khắc phục; hầm chui, đường gom dân sinh chậm hoàn thành đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trên địa bàn.
“Chúng tôi đã rất nhiều lần có công văn tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương khắc phục các hạng mục còn dang dở theo đúng kế hoạch, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT chốt thời gian hoàn thành đường công vụ thi công cao tốc, không để dây dưa, kéo dài vì đã chậm so với cột mốc 30-6-2023”, ông Huỳnh Ngọc Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam Trần Ngọc Diệp thẳng thắn nói: “Không thể phủ nhận những lợi ích mà đường cao tốc mang lại cho người dân, địa phương, nhưng những vấn đề còn tồn tại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống khiến người dân bức xúc. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu cần sớm hoàn thiện các hạng mục để giữ đúng lời hứa với người dân”.
Thông xe toàn bộ các nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Ngày 7-7, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) đã tổ chức cho thông xe tạm thời tất cả 4 nút giao còn lại trên tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, gồm: quốc lộ 55, tỉnh lộ 720 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), nút giao với quốc lộ 56 (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) và nút giao với tỉnh lộ 715 ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Như vậy, đến nay tất cả 7 nút giao giữa tuyến chính cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với các quốc lộ, tỉnh lộ đã thông xe kể từ khi cao tốc này đưa vào khai thác từ ngày 29-4.
NGUYỄN TIẾN - HOÀNG BẮC