Dang dở
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức, TP Thủ Đức được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp) là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của TPHCM, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM làm chủ đầu tư. Các hạng mục của dự án gồm nâng cấp mở rộng trục đường chính; xây dựng 2 đường song hành 2 bên đường chính; xây dựng mới hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và vỉa hè 2 bên đường…
Được khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay, trục đường chính xa lộ Hà Nội trên địa bàn TPHCM (đoạn từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM) đã hoàn thành đưa vào sử dụng, còn trục đường song hành bên trái, cơ bản hoàn thành từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao thông Trạm 2 và từ đường Quốc Hương đến cầu Rạch Chiếc. Theo đánh giá, tiến độ thực hiện dự án đạt khoảng 80% khối lượng. Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, thời gian thi công dự án kéo dài làm phát sinh chi phí quản lý, chi phí máy móc, thiết bị và nhân công, cũng như đội vốn của công trình.
Trong khi đó, đoạn đường chính xa lộ Hà Nội chạy qua địa bàn tỉnh Bình Dương do Công ty CP Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM thực hiện mới thi công được một đoạn đường song hành bên phải trước khu vực Bến xe miền Đông mới.
Xa lộ Hà Nội - đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức, TPHCM) đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Vướng giải phóng mặt bằng
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Ban điều hành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cho biết, hiện một phần dự án chưa thể thi công là do vướng giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, trục đường song hành bên phải còn 28 hộ ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức chưa bàn giao mặt bằng (dài khoảng 400m với diện tích 4.150m2 ) và Công ty CP Kim Nam (dài khoảng 1.200m với diện tích 8.652m2 ) cũng chưa di dời; tại phường Phước Long A còn vướng 800m2 của 1 hộ dân. Đối với trục đường song hành bên trái, hiện còn 1 hộ dân có diện tích nhà, đất khoảng 300m2 thuộc khu phố 6, phường Linh Trung chưa bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, trên trục dự án mở rộng xa lộ Hà Nội còn trùng lắp mặt bằng thi công với 8 nhà ga trên cao của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng diện tích khoảng 1.800m2. Theo đó, tại phạm vi các nhà ga Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM, đơn vị thi công đã hoàn thiện hệ thống thoát nước, thảm bê tông nhựa, đã bàn giao một phần mặt đường để dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên rào chắn bảo vệ công trường thi công nhà ga. Tại các ga Thảo Điền, An Phú và Rạch Chiếc, Ban điều hành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang phối hợp các nhà thầu thực hiện dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên sử dụng chung mặt bằng để thi công.
Đông xe khi lưu thông lên cầu Rạch Chiếc vào mỗi sáng trên xa lộ Hà Nội hướng từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bên cạnh đó, mặt bằng thi công xa lộ Hà Nội còn trùng lắp với mặt bằng thi công Dự án vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2). Chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đã thi công phần đường mở rộng (khoảng 6m) dài khoảng 600m (từ ga Thảo Điền đến đường Thảo Điền), đã bàn giao mặt bằng để Dự án vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2) tiếp nhận thi công cống thoát nước thải. Hiện tại, chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội phối hợp nhà thầu Dự án vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2) tổ chức thi công đoạn cống thoát nước trong phạm vi ga An Phú…
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương cũng còn khoảng 2,2km đến nay vẫn chưa được bàn giao. Đoạn này có 201 hộ dân bị ảnh hưởng, đã kiểm kê và chi trả bồi thường cho 55 hộ, còn lại 146 hộ (diện tích khoảng 11,5ha). Tuy nhiên, hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng tạm ngưng để chờ phê duyệt phương án điều chỉnh.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết, thời gian qua, ban và Trung tâm Quản lý phát triển quỹ đất thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã nhiều lần họp bàn công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập về giá nên chưa chốt được đơn giá bồi thường.
* Ông NGUYỄN THANH NAM, Giám đốc Ban điều hành Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội:
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị thi công kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương và sớm hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức và địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình (các nhà ga của đoạn cầu cạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TPHCM) để sớm bàn giao lại mặt bằng cho dự án.