Ì ạch hoàn thuế giá trị gia tăng

Quốc hội thảo luận, Chính phủ chỉ đạo nhiều lần, nhưng tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

“Giam” tiền doanh nghiệp

Đầu tháng 6-2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lên tiếng về việc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền hơn 6.100 tỷ đồng, dẫn đến thiếu vốn sản xuất, hỗ trợ người lao động.

Tiếp đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng gửi văn bản tới Cục Thuế TPHCM mong được tháo gỡ cho 10 doanh nghiệp mua bán, xuất khẩu cao su bị chậm hoàn thuế GTGT với số tiền hơn 171 tỷ đồng. Không dừng lại ở các doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng phải lên tiếng về công tác hoàn thuế chậm trễ.

Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp Hàn Quốc ngày 16-8, lãnh đạo Samsung Electronics HCMC CE Complex cho biết, tính từ thời điểm phát sinh tiền thuế GTGT chưa được hoàn đến nay đã hơn 2 năm, số tiền tổng cộng đã lên 44 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng.

Người nộp thuế làm thủ tục tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: KHÁNH CHÂU

Người nộp thuế làm thủ tục tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: KHÁNH CHÂU

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, tại một số địa phương, việc kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn tình trạng chậm, muộn.

Tổng cục Thuế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, ngành thuế mới hoàn thuế GTGT được hơn 71.800 tỷ đồng, đạt 39% dự toán, bằng 85% so với cùng kỳ năm 2022. Đến hết tháng 8, cơ quan thuế cũng mới hoàn được hơn 87.100 tỷ đồng, đạt 46,9% dự toán năm 2023 và bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng ở TPHCM, từ ngày 1-7-2020 đến 30-6-2023, có 4.916 quyết định hoàn thuế được ban hành, tương ứng số tiền hơn 30.600 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 66,4% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Tính đến ngày 30-6, Cục Thuế TPHCM đang giải quyết 612 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, tương ứng số tiền là 6.767 tỷ đồng, trong đó có 520 hồ sơ kiểm trước hoàn sau và 92 hồ sơ hoàn trước kiểm sau.

Giải trình trước Quốc hội giữa tháng 7 về việc hoàn thuế GTGT, lãnh đạo Tổng cục Thuế không đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “Hiện nay tổng số tiền hoàn thuế chưa hoàn là bao nhiêu?”. Trong khi đó, số tiền hoàn thuế rất có ý nghĩa với doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ, hoàn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước, không phải tiền doanh nghiệp đi xin! Sự chậm trễ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là “vấn đề gây cản trở lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, do đó đã đề nghị chấn chỉnh. Tới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình để giám sát vấn đề này.

Vừa “đạp ga”, vừa “đạp thắng”

Trước phản ánh của các doanh nghiệp, trong thời gian gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy ngành thuế đẩy nhanh việc hoàn thuế. Có thể kể đến Công điện số 470 ngày 26-5 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Sau công điện này, Tổng cục Thuế đã vào cuộc quyết liệt và đến nay gần 80% hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã được ngành thuế phân loại thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 9-8, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tiếp tục có Công điện số 07 yêu cầu các cục thuế địa phương đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT. Giải trình trước các cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo Tổng cục Thuế luôn khẳng định, công tác hoàn thuế rất nỗ lực, đã chỉ đạo đốc thúc các địa phương rất nhiều, thậm chí yêu cầu các địa phương báo cáo hàng tuần.

Tuy nhiên, thực tế thì những khó khăn hiện nay đều bắt nguồn từ những công văn chỉ đạo của Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương phải thực thi các biện pháp hạn chế rủi ro hoàn thuế. Trong số đó có những yêu cầu khiến các cơ quan thừa hành mất rất nhiều thời gian, công sức mà vẫn khó hoàn thành đúng hạn.

Cụ thể như Công văn 1873 ngày 1-6-2022 yêu cầu xác minh về hóa đơn, xác minh nguồn gốc hàng hóa đến khâu cuối cùng (khi có dấu hiệu xuất hóa đơn lòng vòng); kiểm tra thực tế kho hàng, thông tin giao nhận hàng hóa từng lần xuất hàng…

Hay tại Công văn 194 ngày 18-1-2022 yêu cầu đối với các doanh nghiệp hoàn thuế do xuất khẩu mặt hàng cao su, sắn lát, nông sản thì thực hiện các bước xác minh đến khâu cuối cùng, kết quả kiểm tra xác minh đối với các doanh nghiệp F1, F2… đến khâu cuối cùng (trồng rừng). Đồng thời báo cáo xác minh về vận chuyển, bốc xếp, xăng xe, phí đường bộ có phù hợp với cung đường vận chuyển, chứng từ, hàng hóa từng lô hay không.

Ngành thuế lý giải, những chỉ đạo trên là “cẩn trọng”, do thời gian qua đã phát hiện nhiều vi phạm. Chẳng hạn, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh (doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn khống để hoàn thuế); hay việc phát hiện 524 doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn.

Bộ Tài chính đang đề nghị sửa đổi Luật Thuế GTGT, trong đó có một phần nội dung quan trọng về hoàn thuế. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và dư luận nói chung cũng đang rất chú ý tới phiên giải trình tới đây của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về hoàn thuế. Doanh nghiệp kỳ vọng phiên giải trình sẽ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoàn thuế thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục